Sợ Tiktok bị cấm người Mỹ bỏ Instagram, Facebook, Threads, đua nhau cài ứng dụng khác từ Trung Quốc
Rất nhiều người dùng tại Mỹ đang chuyển sang sử dụng mang xã hội Tiểu Hồng Thư (Xiaohongshu) trước thông tin Tiktok sắp bị cấm hoàn toàn thay vì quay trở lại sử dụng Instagram hay Facebook.
Trong phiên tranh luận về số phận của Tiktok mới nhất diễn ra vào thứ 6 tuần trước, Tòa án Tối cao Mỹ được cho là đang nghiêng về khả năng yêu cầu ByteDance phải bán lại ứng dụng Tiktok hoặc sẽ chấm dứt hoạt động tại Hoa Kỳ vào ngày 19/1.
Mặc dù phán quyết chính thức chưa được đưa ra nhưng trước viễn cảnh Tiktok bị cấm, nhiều người dùng tại Mỹ đã bắt đầu tìm sang ứng dụng khác, điều thú vị là Xiaohongshu - Tiểu Hồng Thư - một ứng dùng khác đến từ Trung Quốc lại là đích đến số 1.
Ứng dụng Xiaohongshu mới đây đã chứng kiến lượng truy cập tăng vọt tại Mỹ vào trưa thứ Hai, Xiaohongshu đã lao lên Top 2 trong bảng xếp hạng được tải nhiều nhất và đến tối thì đã lọt vào Top 1.
Một ứng dụng thuộc nhóm phong cách sống khác của ByteDance là lemon8 cũng được người dùng Mỹ tải về nhiều và xếp ngay sau.
Giới quan sát gọi đây là cuộc di cư kỹ thuật số của cái gọi là "Người tị nạn TikTok". Trên Tiểu Hồng Thư sau đó cũng xuất hiện những chủ đề về Người tị nạn Tiktok. Trên Tiktok các video hướng dẫn sử dụng, học tiếng Trung cũng bùng nổ.
Xiaohongshu - Tiểu Hồng Thư Mặc chủ yếu được thiết kế cho người dùng Trung Quốc nhưng đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ ra toàn thế giới.
Tiểu Hồng Thư có sự kết hợp năng động giữa nội dung về phong cách sống, video và các công cụ xây dựng cộng đồng của nền tảng này đã tạo được tiếng vang với đối tượng khán giả khác của TikTok. Ứng dụng này cũng cung cấp các tính năng giống TikTok, như xem và tạo video ngắn với cộng đồng người dùng trẻ trung.
Trong khi TikTok tập trung vào nội dung video ngắn thì Tiểu Hồng Thư được mô tả là giống Instagram kết hợp Pinterest hơn ở chỗ nó cung cấp nhiều nội dung về phong cách sống hơn, bao gồm ảnh, đánh giá chi tiết và thảo luận của cộng đồng.
Ban đầu, Tiểu Hồng Thư là một ứng dụng thương mại điện tử hướng đến việc đánh giá sản phẩm và hướng dẫn mua sắm. Tuy nhiên việc người dùng thường xuyên chia sẻ về phong cách sống giúp ứng dụng này bùng nổ.
Trong đại dịch COVID-19, Tiểu Hồng Thư đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong nhóm người dùng trẻ tuổi Trung Quốc, đặc biệt là phụ nữ, hiện chiếm 79% trong số 300 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Sự phổ biến của Red Note đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Ứng dụng này đã huy động được 917 triệu đô la tiền đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư như Tencent, Alibaba và Sequoia China. Theo Bloomberg, vào năm 2024, công ty này được định giá 17 tỷ đô la sau khi bán cổ phiếu thứ cấp và lợi nhuận dự kiến sẽ vượt quá 1 tỷ đô la.
Tính năng mua sắm xã hội và tập trung vào xây dựng cộng đồng đã khiến nó trở nên phổ biến ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mặc dù thuộc sở hữu của Trung Quốc, sự trỗi dậy của Tiểu Hồng Thư cho thấy người dùng ưu tiên nội dung hấp dẫn và cộng đồng hơn là các cân nhắc các vấn đề về địa chính trị.