Con đường thay tên nhiều nhất Việt Nam, sầm uất hàng đầu TP.HCM nhưng người bản địa chưa chắc biết
Có một sự thật là một trong những con đường trung tâm của TP.HCM ngày nay đang dẫn đầu về số lần thay tên. Tính đến nay nó đã có đến 9 lần đặt tên đi, đặt tên lại.
Ở quận 1, TP.HCM có một con đường rộng lớn, dài nhất quận, chạy từ cầu Công Lý đến đường Võ Văn Kiệt. Con đường này dài 1.820m, là trục giao thông quan trọng giúp trung tâm thành phố mang tên Bác kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất. Con đường được nhắc đến mang tên Nam Kỳ Khởi Nghĩa, có vai trò đặc biệt với đời sống, kinh tế của thành phố.
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bắt đầu từ cầu Công Lý, bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đi theo hướng đông nam đến đường Điện Biên Phủ. Từ đoạn đó đường trở thành một chiều, đi thẳng qua cổng Dinh Độc Lập rồi cắt qua đường Lê Lợi, Hàm Nghi và kết thúc tại đường Võ Văn Kiệt, ngay đầu đường hầm sông Sài Gòn.
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có lịch sử lâu đời, được người Pháp xây dựng vào thế kỷ 19. Tên gọi đầu tiên của nó là đường số 26.
Năm 1865, đường đổi tên thành đường Impératrice. Nhưng chỉ 5 năm sau nó lại mang tên khác – Mac Mahon. Mac Mahon là tên vị Thống chế người Pháp - Patrice de Mac Mahon. Bấy giờ người dân Sài Gòn vẫn gọi hắn với cái danh xưng buồn cười hơn: Mặt má hồng. Thời điểm đó đường chỉ kéo dài đến đường Trần Quốc Toản ngày nay mà thôi.
Cuối thập niên 1930, sân bay Tân Sơn Nhất khai thác các chuyến bay quốc tế. Để có thể kết nối sân bay với trung tâm thành phố Sài Gòn, đường Mac Mahon đã được kéo dài. Năm 1938 đường Mac Mahon kéo dài chính thức khánh thành.
Năm 1945, sau khi chiếm lại Sài Gòn, người Pháp đã tiến hành đổi tên nhiều con đường. Đoạn từ đường Lý Tự Trọng đi về phía sân bay được đặt tên là đường Général de Gaulle, để vinh danh Charles de Gaulle, lãnh đạo Pháp trong Thế chiến II. Phần đường còn lại, hướng về rạch Bến Nghé, vẫn giữ nguyên tên Mac Mahon, nhằm tưởng nhớ tướng quân và tổng thống Pháp, Patrice de Mac Mahon.
Đến năm 1952, đoạn đường từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến rạch Bến Nghé được đặt tên Maréchal de Lattre de Tassigny. Nhưng chỉ 3 năm sau, đường Général de Gaulle và đường Maréchal de Lattre de Tassigny được nhập lại thành đường Công Lý. Tuy nhiên, đoạn nối dài từ cầu Công Lý đi sân bay (thuộc tỉnh Gia Định) bấy giờ vẫn có tên là đường Ngô Đình Khôi. Năm 1963, nó được đổi thành đường Cách mạng 1-1.
Năm 1975, đường Công Lý và đường Cách mạng 1-1 được nhập lại thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, kéo dài từ rạch Bến Nghé đến đường Hoàng Văn Thụ.
Ngày 4/4/1985, Ủy ban Nhân dân TP HCM lại cắt đoạn đường từ cầu Côn gLys đến đường Hoàng Văn Thụ đặt lại tên thành đường Nguyễn Văn Trỗi như ngày nay.