Đời sống

Hé lộ biểu tượng của Hà Nội thời Pháp, nay chỉ còn dấu tích ở trường Tây học lâu đời nhất Việt Nam

Hé lộ biểu tượng của Hà Nội thời Pháp, nay chỉ còn dấu tích ở trường Tây học lâu đời nhất Việt Nam

Biểu tượng của Hà Nội được quy định trong Điều 6 Luật Thủ đô năm 2012 như sau: “Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám”.

Nhưng trước đây, vào thời Pháp, Thủ đô còn có một loại logo riêng, nó được thiết kế khá cầu kỳ và ấn tượng. Năm 1888, Hội đồng thành phố Hà Nội đã ban hành chính thức việc sử dụng logo này. Nó được in trong các giấy tờ trao đổi chính thức, các văn bằng, giấy khen, giấy chứng nhận do Tòa Thị chính thành phố cấp, hoặc được thể hiện như một tấm huy hiệu.

logo-ha-noi-thoi-phap-4
Biểu tượng Hà Nội thời Pháp thuộc.

Ngoài ra, nhiều địa danh nổi tiếng của Hà Nội cũng được đúc, đắp nổi logo này lên. Có thể kể đến như đền thờ vua Lê Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, cầu Long Biên, vườn hoa con cóc (nay là vườn hoa Diên Hồng), trường Trung học Paul Bert (nay là THCS Trưng Vương).

Trải qua thời gian dài, lại có nhiều biến động về lịch sử nên những địa danh trên gần như không còn dấu tích của logo năm xưa. Chỉ có duy nhất nóc trường THCS Trưng Vương là vẫn giữ lại nó.

logo-ha-noi-thoi-phap-1
Biểu tượng Hà Nội xưa, ngày nay vẫn tồn tại trên mái mặt tiền của Trường THCS Trưng Vương.

Trên nóc tầng 2 chính giữa trường Trưng Vương, logo của thành phố Hà Nội thời Pháp được đắp nổi, có những tia lửa mặt trời vươn lên. Hiện tại những tia lửa bên trên đã không còn, nhưng hình dáng logo vẫn khá nguyên vẹn.

Trường THCS Trưng Vương ở phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là ngôi trường giáo dục theo Tây học lâu đời nhất Hà Nội và Việt Nam. Trước kia nơi đây là trường nữ sinh, mang tên vua Đồng Khánh, xây vào năm 1917, tọa lạc ở Đại lộ Đồng Khánh (phố Hàng Bài ngày nay). Về sau nó được đổi tên thành Trường Nữ Trung học (College de Jeunes filles) và từ năm 1948 mang tên Trường Trưng Vương cho đến ngày nay.

logo-ha-noi-thoi-phap-5
Trường nữ sinh Đồng Khánh đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu.

Về phần logo biểu tượng của thành phố Hà Nội thời Pháp, tổng thể nhìn nó giống với huy hiệu thời trung cổ ở châu Âu. Theo một số nhà nghiên cứu mỹ thuật thì tòa thành trong biểu tượng này có nguồn gốc từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại, dùng để biểu tượng cho các thành phố. Thậm chí có họa sĩ thiết kế còn cho rằng nó được lấy cảm hứng từ biểu tượng thành phố Paris.

Bức phù điêu đắp nổi trên nóc trường THCS Trưng Vương vẫn còn thiếu dải băng có câu châm ngôn chữ Latin: “Dislecta Fortitudine Prosfera” (tạm dịch là: Lòng dũng cảm đem đến sự thịnh vượng mà ta muốn). Nhiều khả năng người thiết kế cho rằng phù điêu đặt cao như vậy thì người đứng ở dưới sẽ không thể đọc được dòng chữ nên quyết định bỏ bớt.

logo-ha-noi-thoi-phap-2
Trường THCS Trưng Vương ngày nay.

Dù vậy, logo thành phố Hà Nội thời Pháp vẫn có những nét đậm chất Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến 2 con rồng uốn lượng, quay mặt vào nhau. Rồng vốn là loài vật gắn với tên gọi cũ của Hà Nội – Thăng Long. Con rồng được vẽ đậm chất văn hóa Việt Nam chứ không phải rồng kiểu phương Tây.

logo-ha-noi-thoi-phap-3
Huy hiệu có biểu tượng Hà Nội thời Pháp thuộc.

Thêm vào đó, một thanh kiếm dựng đứng cũng xuất hiện. Nó cũng mang đậm nét Việt Nam, không phải kiểu kiếm lưỡi to bản như phương Tây. Thanh kiếm liên quan đến truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả kiếm cho rùa thần.

Đặc biệt, biểu tượng sóng nước tượng trưng cho sông Hồng cùng nhiều hồ lớn nhỏ mà Hà Nội có. Cái tên Hà Nội vốn đã có nghĩa là “trong sông”, vì thế hình ảnh sóng nước cũng gắn chặt với thành phố này.