Danh họa đứng đầu tứ trụ Mỹ thuật VN: Có 2 bảo vật quốc gia nhưng cuối đời cô quạnh, yêu HN nồng nàn
Làng Mỹ thuật Việt Nam có tứ trụ nổi tiếng nhất là: Nhất Sáng, nhì Nghiêm, tam Liên, tứ Phái. Nhất Sáng ở đây là ai? Chính là Nguyễn Sáng, người được mệnh danh là họa sỹ trăm năm có một của Việt Nam. Ông sinh năm 1923, quê Tiền Giang, từng theo học trường Mỹ thuật Đông Dương và có thời gian dài gắn bó với Hà Nội. Với vị họa sỹ này, Hà Nội có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ông từng tuyên bố: “Không có Hà Nội thì không có Nguyễn Sáng”.
Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988). Ảnh tư liệu
Nguyễn Sáng từng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và nghệ thuật vào năm 1996. Tên tuổi của ông được nhắc đến trong từ điển Bách khoa Larousse ở Pháp.
Nguyễn Sáng có 2 bức tranh sơn mài được công nhận là bảo vật quốc gia. Bức thứ nhất có tên “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2013. Tác phẩm này được sáng tác từ 60 năm trước, công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam 10 năm trước.
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn cho biết, cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có tác phẩm nào vượt qua được bức tranh đỉnh cao của Nguyễn Sáng về mảng nghệ thuật hiện thực XHCN. Được biết sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 9 năm Nguyễn Sáng mới vẽ bức tranh này. Ông xem đây là câu trả lời đẹp nhất về hình tượng người chiến sĩ, anh bộ đội Cụ Hồ và Điện Biên Phủ.
Bức tranh thứ hai có tên “Thanh niên thành đồng”, bắt đầu sáng tác từ 1967 ở Hà Nội. Năm 1980 nó được chuyển nhượng cho Bảo tàng Cách mạng ở TP.HCM với giá 2.000 đồng. Hiện bức tranh này được đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Dù rất tài năng, có nhiều đóng góp vào nền mỹ thuật nước nhà nhưng Nguyễn Sáng lại có cuộc sống khá long đong. Ông nổi tiếng đào hoa, được nhiều người mến mộ nhưng chẳng ai gắn bó lâu dài. Cuộc hôn nhân duy nhất của Nguyễn Sáng là với cô người mẫu kém ông 32 tuổi. Họ rước dâu trong bệnh viện, chung sống được 11 tháng thì cô vợ qua đời vị bệnh tim.
Sau khi vợ mất, Nguyễn Sáng sống cô độc, tạm bợ trong căn nhà nằm ở ngõ Ngô Sĩ Liên, sau ga Hàng Cỏ. Về sau sức khỏe của Nguyễn Sáng yếu dần, đành chuyển vào miền Nam sinh sống để nương tựa người em. Bất ngờ, khi ông vào đến nơi thì người em qua đời đột ngột.
Lúc này Nguyễn Sáng rơi vào cảnh tứ cố vô thân, thường ngồi nhìn về hướng Bắc và khóc vì nhớ Hà Nội. Lần cuối gặp Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Sáng tâm sự: “Mày có thương tao không, thương nhiều không, mày thương tao nhưng mày làm được gì, mày nhỏ bé quá, ôi Đoàn ơi, nghèo quá, làm sao mà lại về được bây giờ”. Cuối cùng vị danh họa qua đời trong nghèo khổ, cô độc ở TP.HCM.
Góc khuất về người anh hùng là nguyên mẫu phim Biệt Động Sài Gòn, hé lộ 2 mối tình đi vào lịch sử
Chuyện tình của người anh hùng này được đánh giá là một trong những câu chuyện tình đẹp nhất thời kháng chiến chống Mỹ. Họ cũng chính là nguyên mẫu của nhân vật ông chủ hãng sơn Đông Á trong “Biệt động Sài Gòn”.