Quy luật đặc biệt về tên đường ở TP.HCM người bản địa chưa chắc đã biết, quận nào nhiều đường nhất?
Tìm đường ở TP.HCM là nỗi “ám ảnh” với những người mới đến hoặc du khách. Lý do đơn giản bởi nó dày đặc, chồng chéo nhau như mạng nhện. Có thể biết tên đường, nhưng cách đi vào, đi ra như thế nào lại là chuyện hoàn toàn khác.
Theo thống kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, ở Sài Gòn, quận Tân Bình là quận có nhiều đường phố nhất với 150 con đường. Các quận còn lại trung bình rơi vào khoảng từ 80 – 120 con đường. Với số lượng lớn như vậy, chẳng có gì lạ khi người phương xa đến đây tìm đường như lạc vào “trận đồ bát quái”.
Cũng theo cụ Nguyễn Đình Tư, khi đặt tên đường lại cho Sài Gòn, người đặt đã muốn chia thành từng cụm gắn liền với lịch sử, văn hóa. Chẳng hạn, cụm văn thơ sẽ nằm ở Quận 1, Quận 3: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan.
Tiếp đến, cụm tướng nhà Lê nằm ở Quận 4: Đinh Lễ, Lê Thạch, Lê Quốc Hưng, Lê Văn Linh.
Các tướng nhà Trần thì nằm tại Tân Định: Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Đặng Dung, Đặng Tất, Trần Khát Chân.
Cụm liệt sĩ Việt Nam Quốc dân đảng thì ở Quận 1: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Cô Giang, Cô Bắc, Phó Đức Chính.
Cụm Gia Định tam gia tại Quận 5 và Bình Thạnh: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh.
Ngoài ra, có hai con đường nhỏ dọc theo Đại lộ Thống Nhất là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes. Đây là 2 người đã tạo ra ngôn ngữ cho nước ta. Ông Hàn Thuyên là người sáng tạo ra chữ Nôm, còn ông Alexandre de Rhodes là người có công tạo ra chữ Quốc ngữ đang dùng.
Cửa Đông và cửa Tây chợ Bến Thành có 2 đường song song là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. 2 danh nhân này 1 người đã khởi xướng phong trào Đông Du, còn 1 người kêu gọi cải cách, học hỏi tư tưởng tiến bộ của phương Tây.
Nếu đi từ cửa ngõ Sài Gòn vào trung tâm, sẽ dễ dàng nhận ra từng con đường là từng dấu mốc lịch sử Việt Nam. Cửa ngõ Bến xe Miền Tây có đường Hồng Bàng, Hùng Vương, An Dương Vương, Bà Triệu… Sau đó đến Lý Nam Đế, Lý Thường Kiệt, Triệu Quang Phục… Tiếp theo sẽ là Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Chiêu Hoàng…
Ở các bến sông như Vạn Kiếp, Hàm Tử, Chương Dương… sẽ là tên các trận chiến vang danh lịch sử của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1284 – 1285). Bến Bạch Đằng thì được đặt tên theo con sông nơi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán vào năm 938.