Không phải Hà Nội, đây mới là nơi khai mở nền văn minh Đại Việt, người bản địa cũng chưa chắc biết
Nhiều người sẽ nghĩ Hà Nội (Thăng Long xưa) là địa danh được nói đến trong bài này. Đơn giản bởi Hà Nội nhiều lần được chọn làm kinh đô, có vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc ta. Bên cạnh đó, địa thế Thủ đô cũng rất đẹp, ngày càng phát triển vượt bậc. Nhưng thực tế tỉnh thành là nơi khai mở nền văn minh Đại Việt lại là một cái tên khác.
Tỉnh này nằm ở miền Bắc, được sông Hồng và nhiều con sông khác bồi đắp phù sa. Nó nằm đối diện Kinh đô Thăng Long xưa, chưa bao giờ là kinh đô nhưng luôn giữ vai trò thiết yếu với đất nước. Tỉnh này được mệnh danh là cửa ngõ kinh thành, phên dậu che chắn cho Đông Đô – Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Tên gọi cổ của tỉnh là Kinh Bắc.
Nói đến đây hẳn nhiều người đã biết là tỉnh thành nào. Không nơi nào khác, Bắc Ninh là nơi đang được nói đến. Nhưng trước đây, khi còn mang tên Kinh Bắc, nó bao gồm toàn bộ Bắc Ninh bây giờ, huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm của Hà Nội, Văn Giang, Văn Lâm của Hưng Yên và phần phía Nam Bắc Giang.
Đồng Khánh Dư Địa Chí có nói về đất Kinh Bắc này như sau: Bắc Ninh thuộc bộ Vũ Ninh của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc dưới triều Hùng Vương - An Dương Vương. Thời Bắc thuộc là đất huyện Luy Lâu-Long Biên của quận Giao Chỉ, sau là Giao Châu. Thời Lý-Trần là Bắc Giang đạo. Thời Lê là Kinh Bắc đạo, sau đổi là trấn rồi xứ Kinh Bắc. Thời Nguyễn, đầu đời Gia Long vẫn gọi trấn Kinh Bắc gồm 4 phủ và 20 huyện. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi gọi là trấn Bắc Ninh. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) chia đặt tỉnh hạt, đổi gọi là tỉnh Bắc Ninh. Tên gọi Bắc Ninh có thể là từ Kinh Bắc và Vũ Ninh mà ra.
Bắc Ninh có giá trị lớn về tinh thần, tư tưởng khi gắn với loạt huyền thoại của Việt Nam như ông Đùng, bà Đùng, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, Thánh Gióng, Mỵ Châu – Trọng Thủy, An Dương Vương… Nơi đây còn lưu giữ biết bao di tích đa dạng, tiêu biểu liên quan đến các nhân vật truyền thuyết kể trên.
Còn theo khoa học, cụ thể là chứng tích khảo cổ và lịch sử, văn hóa của Bắc Ninh ngày nay đã chứng minh được, tỉnh này thuộc địa bàn sinh sống chủ yếu của người Việt cổ tại Đồng bằng Bắc bộ. Nói cách khác, Bắc Ninh như cái nôi của dân tộc Việt, nơi trọng yếu của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc. Nền văn minh lúa nước của Việt Nam có thể được hình thành dựa trên nền tảng ở đây.
Xét về phong thủy, địa lý, sử gia Phan Huy Chú đánh giá về Bắc Ninh trong “Lịch triều hiến chương loại chí” như sau: “Kinh Bắc có mạch núi cao vót, nhiều sông quanh vòng, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, phủ Lạng Giang đẹp hơn. Văn học thì phủ Từ Sơn, phủ Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”.
Nhà Lý – triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt phát tích ở Bắc Ninh, gắn với loạt danh nhân lịch sử kiệt xuất như Lý Công Uẩn, Lý Vạn Hạnh, Nguyên Phi Ỷ Lan, Lý Nhân Tông…
Thời nào đất Kinh Bắc cũng có nhân tài. Thậm chí đây còn là nơi có nhiều trạng nguyên nhất lịch sử khoa bảng nước ta (tính từ kỳ thi đầu tiên năm 1247 đến kỳ thi cuối cùng năm 1736).
Xa xưa đây cũng là nơi vô cùng phát triển, người dân đến sinh sống, làm ăn rất đông. Thế mới có câu: “Ai lên xứ Bắc mà trông/ Đất lành gạo trắng nước trong thay là”. Ngày nay, tỉnh thành này vẫn là một trong những nơi hội tụ tinh hoa, trầm tích văn hóa nhất nhì miền Bắc.
Bí ẩn lời sấm truyền về dòng họ học giỏi bậc nhất Việt Nam xưa, 2 lần thoát đại nạn nhờ ‘trời giúp’
Trong giới khoa bảng Việt Nam, không ai là không biết đến dòng họ này. Những kỳ tích họ đạt được là vô tiền khoáng hậu, chưa một dòng họ nào vượt qua được.