Khám phá mới

Anh hùng Việt Nam là người hạ pháo đài bay B52 của Mỹ, lập kỷ lục độc nhất vô nhị trên thế giới

Anh hùng Việt Nam là người hạ pháo đài bay B52 của Mỹ, lập kỷ lục độc nhất vô nhị trên thế giới

Ở Việt Nam, nếu đưa bức hình của người đàn ông này ra, gần như tất cả đều biết đến ông. Trải qua hàng chục năm, đất nước có nhiều thay đổi, nhưng ông vẫn mãi được xem là một biểu tượng, niềm tự hào của dân tộc. Đó chính là Trung tướng Phạm Tuân.

Trong một lần trò chuyện với học sinh ở Hệ thống trường IVS, Hà Nội, anh hùng Phạm Tuân bồi hồi nhớ lại tuổi thơ và những ngày niên thiếu. Ông cho biết, năm lớp 10 mình từng thi tuyển làm phi công nhưng bị loại vì cân nặng không đủ, rối loạn nhịp tim, lại bệnh mắt hột.

anh-hung-pham-tuan-2
Trung tướng Phạm Tuân thời trẻ. Ảnh tư liệu.

Nhưng cơ duyên đã đưa Phạm Tuân đến với nghề phi công. Sau này ông có thời gian đi học thợ máy chuyên sửa chữa radar trên máy bay ở Liên Xô. Vì nhiều phi công đào tạo nhưng không bay được nên bác sĩ đã tuyển thêm kỹ thuật làm phi công. Cuối 1965, Phạm Tuân trúng tuyển và bắt đầu học bay. Ông thú thật mình bước vào ngành này như một trang giấy trắng, không biết bất cứ thứ gì về máy bay, không quân.

“Như vậy để nói rằng, cơ thể chúng ta có thể có khiếm khuyết nhưng chỉ cần rèn luyện, chúng ta có thể vượt qua khó khăn để trở thành phi công”, vị anh hùng này chia sẻ.

anh-hung-pham-tuan-5
Phi công Phạm Tuân trong đêm 27/12/1972 trước khi cất cánh thực hiện nhiệm vụ

Có thể xuất phát sau nhưng Phạm Tuân không cho phép mình đi chậm hơn người khác. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, tập luyện ngày đêm, ông cũng tốt nghiệp Không quân Liên Xô và về nước phục vụ kháng chiến. Phạm Tuân là một trong 12 phi công được chọn đào tạo lái tiêm kích bay đêm. Nói cách khác, ông là một phần trong kế hoạch bắn hạ B-52.

Tham gia chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm năm 1972, Phạm Tuân đã xuất sắc bắn hạ một chiếc B-52. Ông là một trong những phi công hiếm hoi trên thế giới lúc bấy giờ làm được điều đó với B-52 của Mỹ. Nên nhớ, B-52 từng là niềm tự hào của người Mỹ, được đánh giá là siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm, dự tính nó sẽ đưa Hà Nội về với thời kỳ đồ đá.

Lại nói về Phạm Tuân, sau chiến tích hạ được chiếc B-52 đầu tiên, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

anh-hung-pham-tuan-3
Anh hùng Phạm Tuân tại một buổi giao lưu. Ảnh: Bảo Anh

Vào 23/7/1980, Phạm Tuân cùng Viktor Vassilyevich Gorbatko bay vào vụ trụ trên tàu Soyuz 37. Sau này kể lại, ông xúc động cho biết: “Tôi bay nhiều lần qua Việt Nam và hồi hộp, tự hào gửi lời tới quê hương. Chúng tôi hạ cánh ngày 31/12”.

Về nước, Phạm Tuân nhận danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Hồ Chí Minh. Cũng trong năm 1980 đó, ông trở thành người nước ngoài đầu tiên được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm Huân chương Lê-nin.

anh-hung-pham-tuan-1
Hai phi công bay vào vũ trụ năm 1980. Ảnh: NVCC
anh-hung-pham-tuan-4
Các thành viên trên tổ hợp tàu du hành vũ trụ không gian. Ảnh: 2apr.su

Năm ấy Phạm Tuân 33 tuổi đã mang hàm trung tá, lập kỷ lục thế giới khi là người Việt Nam duy nhất 3 lần được tặng danh hiệu anh hùng, là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, người bắn hạ được B-52.

Nhìn lại cuộc đời mình, Phạm Tuân vẫn cho rằng ông đạt được những thành tích đó đều nhờ may mắn. Ông nhắn nhủ giới trẻ hãy biết chớp lấy thời cơ khi nó đến. Bởi ai cũng như nhau, chỉ khác ở bản lĩnh.

“Chỉ cần 1% cơ hội sẽ chớp thời cơ, vận may có tâm thế sẽ trở thành anh hùng”, anh hùng Phạm Tuân chia sẻ.

Dù là anh hùng nhưng Phạm Tuân thú thật mình vẫn chỉ là người bố bình thường, không “lo” được gì cho con. Thậm chí con của ông cũng không vào cơ quan bố làm việc. Với Phạm Tuân, việc con học gì, làm thế nào là việc của con. Việc không được bố “lo” cho không phải là thiệt thòi mà là tự lập.