Thành phố có tên gọi dài nhất Việt Nam: Dài 16 chữ cái, học sinh giỏi Địa Lý chưa chắc đoán đúng
Thành phố có tên dài nhất Việt Nam nổi tiếng bởi những ngọn tháp cổ theo hơi hướng kiến trúc của đồng bào dân tộc thiểu số. Tên gọi của địa phương này có ý nghĩa rất đặc biệt.
Phan Rang – Tháp Chàm là thành phố có tên dài nhất Việt Nam với tên riêng gồm 16 chữ cái. Đây là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam. Diện tích thành phố này hơn 79 km2, có 15 phường, 1 thị xã, khoảng 160.000 người dân.
Về địa lý, Phan Rang – Tháp Chàm nằm trong những rặng núi phía Bắc, Nam, Tây Nam, khí hậu khô nóng, có lượng mưa rất thấp. Hàng năm, từ tháng Giêng đến tháng 3, địa phương này thường có gió rất mạnh, người dân vẫn gọi đó là thời điểm “gió như phang, nắng như rang”.
Tên gọi Phan Rang – Tháp Chàm mang trên mình ý nghĩa rất đặc biệt. Phan Rang (Panrang) là dạng từ được Chăm hóa của từ gốc tiếng Phạn Pāṇḍuraṅga - tên của một vị thần trong tín ngưỡng Chăm Pa. Từ thế kỷ 10 nó đã xuất hiện trên các bia ký Chăm với tên gọi Paṅrauṅ hay Panrāṅ. Dần dần theo thời gian, cách gọi Việt hóa đã biến cái tên này thành Phan Rang. Trong khi đó, Tháp Chàm muốn nói về cụm tháp Po Klong Garai ở phía Tây thành phố này.
Năm xưa khi Nam tiến xong, các chúa Nguyễn đã đổi tên vùng đất Panduranga của vương quốc Chăm Pa cũ thành trấn Thuận Thành, gồm 4 đạo Phan Lang, Long Hương, Phan Lý, Phồ Hài, song vẫn duy trì cơ chế tự trị.
Năm 1832, vua Nguyễn bỏ hình thức tự trị, chia nơi đây thành 2 phủ là Ninh Thuận và Hàm Thuận. Theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương năm 1901, địa danh tỉnh Phan Rang và thị xã Phan Rang chính thức xuất hiện. Từ 1981, thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận đã đổi tên thành Phan Rang – Tháp Chàm và được nâng cấp lên thành phố từ tháng 2/2007.
Là một vùng đất nắng gió nhưng điều đặc biệt là vùng Phan Rang – Tháp Chàm nói riêng, Ninh Thuận nói chung có nho rất ngon. Trung bình mỗi hộ dân ở đây sẽ trồng từ 0,1 – 3 ha nho, cung cấp khoảng 15.000 tấn nho mỗi năm.