Khám phá mới

Sứ thần của Đại Việt khiến hoàng đế Trung Hoa phá luật bang giao, bị thủ tiêu gấp vì quá thông minh

 

Bất chấp luật lệ bang giao, hoàng đế nhà Minh đã phải sai người trừ khử vị sứ thần của Đại Việt ngay lập tức. Nguyên nhân là vì người này quá thông minh và nhanh nhạy.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép lại sự kiện Công bộ Tả thị lang Giang Văn Minh đi sứ ở Trung Hoa. Bấy giờ, Giang Văn Minh là sứ thần được mệnh danh “Bất nhục quân mệnh” (không để nhục mệnh vua). Ông thẳng thắn, đối đáp gan dạ trước mặt hoàng đế nhà Minh – Tư Tông. Tư Tông sau đó đã bất chấp luật lệ bang giao, ra lệnh hành hình Giang Văn Minh.

giang-van-minh-3
Hình minh họa: Internet

Giang Văn Minh (1573 – 1638), quê làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ông từng đỗ đầu thi Hội, sau lại đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Mậu Thìn (năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông. Khoa thi năm đó không có ai đỗ trạng nguyên hay bảng nhãn. Thế nên có thể hiểu rằng Giang Văn Minh là người đỗ cao nhất khoa thi.

Sau khi đỗ đạt, Giang Văn Minh được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng như Binh khoa đô cấp sự trung (1630), Thái bộ tự khanh (1631)… 30/12/1637, Dương Văn Minh được cử đi sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh.

giang-van-minh-2
Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh. Ảnh: Internet

Theo một số tài liệu còn lưu giữ ngày nay, Giang Văn Minh khi đó đã đấu tranh với hoàng đế nhà Minh để đòi bỏ lệ cống người vàng hàng năm. Bấy giờ năm nào nước ta cũng phải có một bức tượng vàng cống cho Trung Hoa. Nhà Minh cho rằng có vậy mới đền được mạng cho tướng Kiêu Liễu Thăng của họ từng bị quân Lê Lợi hành quyết năm 1427.

Trong chuyến đi sứ năm đó, các sứ thần Việt đến đúng ngày khánh thọ của hoàng đế nhà Minh. Nhưng trong khi sứ thần các nước tề tựu thì sứ Đại Việt lại không thấy đâu. Khi thị vệ đến nhà công quán hỏi chuyện lại thấy Giang Văn Minh đang nằm trên giường khóc. Chúng ép ông phải vào triều. Đứng trước hoàng đế nhà Minh, sứ thần Việt nghẹn ngào:

- Thần tự biết vắng hôm nay là phạm vào trọng tội, xin hoàng đế lượng thứ cho. Nguyên do chỉ vì hôm nay đúng vào ngày giỗ tổ của thần. Thần đi sứ xa quê, nhà cửa cố hương vốn neo đơn, ngày giỗ tổ mà không thắp được cây hương tưởng niệm thì thấy xót xa trong dạ!

giang-van-minh-4
Hình minh họa: Internet

Nghe xong, hoàng đế Tư Tông cười nói: “Tưởng sao chứ như thế thì việc gì ngươi phải khóc! Khá khen cho nhà ngươi biết giữ hiếu kính với tổ tiên. Nhưng nếu là giỗ cha, giỗ mẹ thì còn có thể được chứ ông tổ xa xôi như vậy thì có gì phải băn khoăn cho lắm. Người khuất đã xa đến mấy đời thì cũng có thể miễn nghị”.

Đột nhiên Giang Văn Minh ngưng khóc, đứng dậy nói: "Muôn tâu, lời dạy của hoàng đế thật là quý báu. Chính thần cũng đã nghĩ như vậy mà vẫn không an tâm, vì thần vẫn thấy trong đời có lắm chuyện xa xôi mà vẫn không được "miễn nghị". Chẳng hạn như việc thiên triều bắt nước Nam phải cống người vàng để trả nợ Liễu Thăng cách đây hàng 200 năm. Nay được lời hoàng đế ban dạy, thần cũng xin gác lại ngày giỗ tổ để cùng vui với ngày khánh tiết này. Cúi xin hoàng đế từ đây "miễn nghị" cho cái nợ Liễu Thăng, cho tình giao hảo hai nước khỏi bị những chuyện xa xôi kia làm bận bịu.”.

Đến đây vua Minh mới biết mình đã bị gài vào thế khó, nhưng cũng chỉ biết im lặng cho qua, đồng thời ra lệnh bãi bỏ lệnh cống người vàng.

giang-van-minh-1
Mộ Thám Hoa Giang Văn Minh. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, cũng vì quá sợ tài ứng biến, đối đáp thông minh của Giang Văn Minh mà sau đó vua Minh đã vu cho ông tội “làm nhục thiên triều”, bất chấp luật lệ bang giao mà sai người trừ khử ông. Ngày Giang Văn Minh bị hành hình là 2/6/1639, khi ông 65 tuổi. Sau khi qua đời, ông được truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh Quận công.