Đời sống

Thân thế nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được người dân lập đền thờ sau khi qua đời

Người phụ nữ này từng giữ chức Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam. Trong thời chiến, bà là người phụ nữ duy nhất được phong chức tướng lúc bấy giờ.

Trong hàng ngũ các tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam thời chiến, có một người phụ nữ gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự xuất hiện của mình. Người được nhắc đến là nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920 – 1992). Đồng đội, người dân yêu mến vẫn gọi bà là Ba Định.

thieu-tuong-nguyen-thi-dinh-1
Bà Nguyễn Thị Định là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh tư liệu

Bà Nguyễn Thị Định sinh ra ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà xuất thân trong một gia đình từng tham gia phong trào chống Pháp, bắt đầu hoạt động cách mạng từ sớm. Năm 1938, cô gái Nguyễn Thị Định chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 18 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Định là người đã lãnh đạo quần chúng ở Bến Tre giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945. Kể từ đó, bà trở thành cán bộ chủ chốt của tỉnh. Đáng chú ý nhất  phải kể đến việc bà Nguyễn Thị Định giữ chức Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam rồi được phong hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam vào năm 1974.

Bà Nguyễn Thị Định chính là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng là người phụ nữ duy nhất được phong tướng trong thời chiến.

thieu-tuong-nguyen-thi-dinh-4
Đồng chí Nguyễn Thị Định. Ảnh tư liệu

Trong lễ mít tinh kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc đến Thiếu tướng Nguyễn Thị Định như một tấm gương sáng: “Phó tổng tư lệnh quân Giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng từng nói về nữ tướng này như sau: “Một phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng”.

thieu-tuong-nguyen-thi-dinh-6
Thiếu tướng Nguyễn Thị Định trong một chuyến công tác tại Hải Phòng. Ảnh tư liệu

Trong khi đó, Thượng tướng Trần Văn Trà chia sẻ về bà Nguyễn Thị Định lúc sinh thời: “Đồng chí Nguyễn Thị Định đã có công rất lớn trong việc xây dựng và phát huy tác dụng “Đội quân tóc dài” làm cho quân thù vô cùng run sợ. Là người có tài thao lược, ý chí cao, nghệ thuật điều hành “Đội quân tóc dài” tác chiến trong chiến trường vô cùng phức tạp vừa hình thành tổ chức mới đem lại chiến thắng vẻ vang”.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định tiếp tục đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng khác như Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VI, VII, VIII; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Từ năm 1987 đến năm 1992, bà giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

thieu-tuong-nguyen-thi-dinh-2
Tượng bà Nguyễn Thị Định trong đền thờ ở Bến Tre. Ảnh: Internet
thieu-tuong-nguyen-thi-dinh-3
Đền thờ bà Nguyễn Thị Định tại Bến Tre. Ảnh: Internet

Năm 1992, sau 56 cống hiến cho cách mạng, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định qua đời ở tuổi 72. Bà được lập đền thờ ở ấp Phong Điền, Lương Hòa, Giồng Trôm. Ngoài ra, người dân Hát Môn (Hà Nội) cũng xin được rước bát hương của nữ tướng này về để thờ trong khu đền Hai Bà Trưng. Ngày nay, để tưởng nhớ đến nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều con đường trên các tỉnh thành được đặt theo tên của bà.