Trung Nguyên hiện nay vẫn là thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam, nổi danh không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Thế nhưng, phía sau tên gọi này vẫn còn nhiều điều bất ngờ. Dư luận không ít lần thắc mắc tại sao lại gọi là “Trung Nguyên”. Liệu cái tên này có ý nghĩa gì?
Chính ông chủ của Trung Nguyên – ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng trả lời báo VTC News trong một cuộc phỏng vấn rằng cái tên này có hai ý nghĩa. Đầu tiên, Trung Nguyên có nghĩa là miền trung cao nguyên, cao nguyên trung phần. Thứ hai, ngày xưa ông Vũ thường đọc truyện kiếm hiệp, biết rằng trung nguyên chính là vùng đất trung tâm của Trung Quốc. Thời đó, ai chiếm được trung nguyên sẽ trở thành người bá chủ thiên hạ.
“Tôi muốn là bá chủ thế giới nên đặt tên Trung Nguyên. Chỉ đơn giản vậy thôi”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ giãi bày. Người đứng đầu Trung Nguyên cũng nói thêm, đó là khát vọng, không phải tham vọng. Ông muốn toàn cầu hóa thương hiệu của mình, đưa nó vươn tầm Việt Nam, ra đến thế giới.
Vậy tại sao ông Vũ không đặt cho thương hiệu của mình một cái tên thật “Tây hóa”, để dễ dàng nhận diện hơn khi ra nước ngoài? Trả lời câu hỏi này, “vua cà phê” nói: “Một mặt nếu Trung Nguyên có đầy đủ nội lực, đưa ra được tư tưởng, nội hàm quan trọng cho vấn đề tư tưởng cà phê thế giới, giống tư cách của nhà lãnh đạo. Nó sẽ là tính duy nhất nên việc khó đọc lại là một lợi thế.
Nếu ngược lại tiếp thị không tốt, không định vị mình là trung tâm, đôi khi thương hiệu chỉ cần ghép 2 chữ đầu là được. Thương hiệu này sẽ hưởng lợi thành tựu trong quá khứ, kết nối giữa nguồn gốc với cái muốn phát triển trong tương lai”.
Xuyên suốt trong quá trình tạo dựng và phát triển Trung Nguyên, ông Vũ luôn định vị rõ thương hiệu và khách hàng. Với người đàn ông này, thương hiệu đại diện cho bản sắc. Phải tự đặt ra câu hỏi liệu khách hàng đến với mình mong muốn được thưởng thức gì ở sản phẩm, không gian?
“Còn khách hàng? Họ là ai, họ mong muốn họ là ai, mong muốn được người khác thừa nhận là ai. Đây là điều mà Trung Nguyên cần định vị. Và Trung Nguyên sẽ làm tới cùng”, ông Vũ khẳng định.
Trung Nguyên không phải là thương hiệu cà phê, nước uống giải khát thông thường. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ muốn những ai đến với Trung Nguyên đầu tiên phải là người thực sự sành cà phê, muốn thưởng thức nó. Còn ở tệp khách hàng thứ hai là người ở mọi độ tuổi, có hoạt động về trí tuệ. Thứ ba, khách hàng là người đến để ủng hộ thương hiệu Việt, thuần Việt, mang bản sắc riêng và có khát vọng vươn ra toàn cầu. Cả ba tệp khách hàng trên đều là mục tiêu mà Trung Nguyên nhắm đến.
Quan điểm của ông Vũ từ trước đến nay đều rất thống nhất. Việc người Việt dùng hàng Việt là minh chứng cho sự trưởng thành về nhận thức, chính trị. Với ông, quốc gia nào đi lên mà không có sự trưởng thành về nhận thức dùng hàng nội địa thì sẽ chỉ là nơi tiêu thụ, không thể thành nơi cung ứng.
“Có thể nhận thấy những bài học tương tự từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Tôi thấy càng trưởng thành, họ càng khẳng định bản sắc của họ, càng ủng hộ những giá trị đến từ quốc gia họ. Họ ý thức rõ ràng điều họ ủng hộ chứ không a dua, bắt chước”, ông Vũ đưa ra dẫn chứng.
Phía sau một Trung Nguyên là những tư tưởng lớn, đầy táo bạo. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, Trung Nguyên không chỉ là thương hiệu bán cà phê thông thường mà còn là nơi tranh chấp tư tưởng. Trong từng gói nhỏ cà phê chứa đựng rất nhiều tâm sức ông đặt ra, dành cho lớp trẻ.
Qua mỗi tách cà phê, ông Vũ muốn căn dặn giơi trẻ rằng, Trung Nguyên đang cung ứng thứ các bạn cần về sản phẩm vật lý, chất cà phê phù hợp, phong cách và tất cả các điểm. Nhưng hơn hết, làm sao các bạn và Trung Nguyên cùng nói chuyện, nhận thức đúng đắn và thức tỉnh thực sự để góp phần đưa dân tộc mình trở thành nơi có tư duy độc lập, khẳng định mình có sứ mệnh nào đó với thế giới này. Việt Nam không phải là nơi người ta đổ vào mọi thứ hay lai căng văn hóa, tiêu thụ hàng hóa cho nước khác. Như thế chỉ là nô lệ và Việt Nam không thể nào thành như vậy được!
“Các bạn có thể hỏi được cộng sự thân tín của tôi. Tôi không phải người bán cà phê thông thường. Tôi mong muốn qua những tách cà phê, gói cà phê, tôi nung chí khát vọng cho đội ngũ hoài bão, thực hiện những gì to lớn hơn.
Tôi nói với anh em, Trung Nguyên thành công sẽ là nguồn cảm hứng cho quốc gia, dân tộc chứ không phải thành tựu kinh doanh đâu, không phải là thước đo tài chính. Tôi theo đuổi điều đó hơn là kinh doanh thuần túy”, người đứng đầu Trung Nguyên từng tâm sự.
Thế nhưng, một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Ông Vũ hiểu rằng nếu chỉ mình Trung Nguyên đơn độc thì sẽ không mang lại kết quả gì. Vì thế mà người đàn ông này mong các doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chung tay.
“Nếu đơn độc thì họ diệt hết. Việt Nam sẽ chỉ là nơi tiêu thụ, cung ứng nguyên liệu thô, sức lao động mà thôi”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói.
Nói là làm, để góp phần thực hiện lý tưởng của mình, ông Vũ khởi xướng chương trình “Người Việt dùng hàng Việt”. Có thể những gì ông làm vẫn chưa mang lại quá nhiều kết quả, song thực tế là tư tưởng của người tiêu dùng hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Họ cũng muốn ủng hộ hàng Việt Nam nhiều hơn, tin tưởng chất lượng đồ trong nước hơn. Những hoài bão lớn phía sau cái tên Trung Nguyên được “vua cà phê” ấp ủ bấy lâu đang dần mang lại quả ngọt.
Danh tính cậu ấm, cô chiêu nhà bầu Đức, mỗi tháng chỉ được gặp cha 3 ngày
(Techz.vn) – Thông tin và hình ảnh về 3 người con của bầu Đức gần như không hề xuất hiện trên mạng hay các phương tiện truyền thông.