‘Hộ pháp Kim Cang’ của ‘thầy Thích Minh Tuệ’ lên tiếng về quá khứ đen tối, sa đọa nợ nần rồi bỏ vợ con
Trước những thông tin về quá khứ, người đàn ông được gọi là “Hộ pháp Kim Cang”, đi theo bảo vệ ông Thích Minh Tuệ đã lên tiếng nói rõ.
Những ngày qua, dư luận tranh cãi khá nhiều về trường hợp người đàn ông đi theo “thầy Thích Minh Tuệ”. Người này vì có vẻ ngoài dữ tợn, gương mặt giống với Hộ pháp Kim Cang nên được cư dân mạng gọi bằng danh xưng này. Trong quá trình bộ hành, không ít lần người này xuất hiện với dáng vẻ hung hăng, quát tháo, ngồi tán gẫu với những YouTuber, TikToker đi theo. Chính sự khác lạ đó khiến nhiều người cảm thấy nghi ngờ ông.
Đỉnh điểm phải kể đến hôm 25/5 vừa qua, sau khi báo Công Thương công bố bài phỏng vấn cháu ruột của ông Đ.V.P (SN 1982, quê Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Ông P chính là “Hộ pháp Kim Cang” đang nổi tiếng trên mạng này.
Người cháu tiết lộ, ông P từng làm ở một mỏ than tại Quảng Ninh. Nhưng vì ăn chơi, nợ nần nên cuối cùng phải bán nhà, cùng vợ con vào TP.HCM sinh sống từ năm 2015. Họ thuê trọ ở, hàng ngày buôn bán lề đường.
Cháu ông P khẳng định ông không phải doanh nhân, gia đình đang rất khổ cực nhưng ông vẫn bỏ đi theo “sư Thích Minh Tuệ”. Mục đích chính cũng không tốt đẹp gì, thực chất chỉ là để gây sức ép với gia đình mà thôi?!
Không lâu sau, một Facebooker có tên Vlog Trúc Ngân TV, chuyên đi theo “thầy Thích Minh Tuệ” đã đăng tải clip “Hộ pháp Kim Cang” này lên tiếng. Trong đó, ông P khẳng định mình đã bỏ vợ, con, toàn tâm toàn ý đi theo bảo vệ ông Thích Minh Tuệ.
Trước đám đông, “Hộ pháp Kim Cang” thẳng thắn: “Quan trọng là thầy tất tâm đi với thầy Minh Tuệ không vì gì cả. Còn việc ai nói việc tư, việc riêng thầy không quan tâm nữa. Thầy đã bỏ vợ, bỏ con rồi thầy không quan tâm nữa, giờ vợ thầy đi lấy chồng thầy cũng đâu quan tâm”.
Người đàn ông này thừa nhận từng làm thợ mỏ ở Quảng Ninh, nhưng không đả động đến thông tin mình là người chơi bời, nợ nần chồng chất. “Hộ pháp Kim Cang” cho biết mình là người chuyên buôn hàng đồ chơi Trung Quốc.
“Hộ pháp Kim Cang” bày tỏ: “Từ khi thầy đặt chân đến đây với thầy Minh Tuệ thì thầy đã mất rất nhiều thứ, phải động viên thầy chứ! giờ đi hỏi thầy ngày xưa thế nọ, thế kia. Thầy đến đây đâu phải để bới quá khứ của thầy. Thống nhất là từ hôm nay, ai hỏi quá khứ của thầy, thầy không trả lời”.
Điều gây chú ý là trong suốt quá trình nói chuyện, người này liên tục dùng những từ “lóng” đời thường như: “Chốt hạ”, “thầy chấp tất”, “chỉnh thầy”… Cách xưng hô “thầy – con” cũng khác hẳn ông Thích Minh Tuệ. Bởi ông Minh Tuệ bấy lâu chỉ xưng “con” và khá kiệm lời trước mọi người.