Đời sống

Vị tướng của QĐND Việt Nam chưa từng học qua 1 trường quân sự nào, được mệnh danh ‘thi tướng’

Trong các vị tướng lẫy lừng của QĐND Việt Nam, người này không chỉ là nhà chỉ huy quân sự tài ba mà còn là một nhà báo, nhà thơ có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Vì thế mà sinh thời ông còn được mệnh danh là ‘thi tướng rừng xanh’.

Huỳnh Văn Nghệ sinh năm 1914, mất năm 1977, quê ở Biên Hòa (nay là TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Vị tướng này xuất thân con nhà nghèo nhưng được nuôi dạy rất tốt. Cha ông trui rèn cho con trai cả văn và võ. Với tư chất thông minh, chẳng mấy mà cậu bé Huỳnh Văn Nghệ thể hiện được mình, về sau giành được cả học bổng ở trường Trung học Pétrus Ký Sài Gòn.

Huỳnh Văn Nghệ vốn là một trí thức yêu nước, từng làm thơ, từng viết báo, tâm hồn đầy bay bổng. Nhưng khi đất nước lâm nguy, ông không do dự khoác lên mình áo lính. Năm 18 tuổi, Huỳnh Văn Nghệ bắt đầu giác ngộ cách mạng, tham gia chống Pháp và tay sai. Kể từ đó, cuộc đời binh nghiệp của ông là những trang sáng chói, đầy vẻ vang.

tuong-huynh-van-nghe-3
Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Ảnh tư liệu

Nói đến tướng Huỳnh Văn Nghệ là phải nói đến Chiến khu Đ. Giai đoạn cuối tháng 9/1945. Bấy giờ, Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, đất nước còn ngổn ngang trăm bề thì Nam Bộ xuất hiện mối họa xâm lăng. Thực dân Pháp núp bóng quân Anh đã trắng trợn trở lại tái chiếm Sài Gòn, âm mưu biến Việt Nam thành thuộc địa thêm lần nữa. Bấy giờ, đồng chí Trần Văn Giàu – Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ gợi ý đồng chí Huỳnh Văn Nghệ (Ủy viên Ủy ban Kháng chiến miền Đông) về quê nhà Tân Uyên để lập chiến khu. Huỳnh Văn Nghệ ngay lập tức bước vào hành trình biến đất rừng Lạc An thành đại bản doanh chống Pháp.

tuong-huynh-van-nghe-1
“Thi tướng” tài hoa Huỳnh Văn Nghệ. Ảnh tư liệu

Tháng 11/1945, tướng Nguyễn Bình, theo lệnh Bác Hồ, vào Nam tìm gặp Huỳnh Văn Nghệ, chính thức trao ông chức Chỉ huy trưởng quân giải phóng Biên Hòa. Một tháng sau, Nguyễn Bình cũng chọn Lạc An làm nơi đặt Tổng hành dinh của chiến khu 7. Đến giữa năm 1946, chiến khu Tân Uyên chính thức mang tên mới: chiến khu Đ.

31 tuổi, đồng chí Huỳnh Văn Nghệ đã là Phó Chủ tịch kiêm ủy viên quân sự của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Biên Hòa. Điều đáng nói, ông chưa từng học qua một lớp quân sự nào, nhưng được xem như người học trò xuất sắc của tướng Nguyễn Bình – Nguyên Tư lệnh Chiến khu Đông Triều.

Tướng Huỳnh Văn Nghệ tự học hết những đầu sách về binh lược như “Binh pháp Tôn Tử”, “Kinh nghiệm du kích Tàu”, “Cách huấn luyện cán bộ quân sự”... và biến lý thuyết thành chiến lược thực tế.

tuong-huynh-van-nghe-5
Từ trái sang: Các ông Huỳnh Văn Nghệ, Lê Duẩn, Nguyễn Bình và Dương Quốc Chính ở Chiến khu Đ. Ảnh tư liệu

Một trong những đòn đánh nổi bật nhất của tướng Huỳnh Văn Nghệ là trận Võ Sa (nay thuộc xã Lợi Hòa, Vĩnh Cửu). Khi đó, ông cho người trá hàng, trà trộn vào đồn Pháp, chờ thời cơ làm phản. Khi thời điểm đến, toàn bộ bót Võ Sa vùng dậy, thu vũ khí, rút quân về phía kháng chiến. Đòn đánh bất ngờ này khiến Pháp bàng hoàng và thận trọng hơn trong việc dùng thân binh – tạo điều kiện cho lực lượng Vệ quốc đoàn thu hút thêm thanh niên vào hàng ngũ kháng chiến.

tuong-huynh-van-nghe-4
Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ và con trai Huỳnh Văn Nam lúc còn nhỏ. Ảnh tư liệu

Tháng 6/1946, lực lượng Vệ quốc đoàn Biên Hòa chính thức mang tên Chi đội 10. Trong vòng nửa năm, các lực lượng vũ trang được quy về một mối, với những nhân sự chủ chốt như Nguyễn Văn Lung – Chi đội phó từ Long Thành, Phan Đình Công – Chính trị viên từ Phòng chính trị khu 7. Đến tháng 8/1946, hệ thống tham mưu – chính trị đã hoàn thiện, tạo nên bộ khung vững chắc cho lực lượng vũ trang địa phương.

Đáng nói, tướng Huỳnh Văn Nghệ không chỉ là một thủ lĩnh kháng chiến lẫy lừng, mà còn là một thi sĩ tài hoa. Người dân yêu mến gọi ông là “Thi tướng rừng xanh”, bởi ông làm thơ rất hay, giản dị, gần gũi nhưng đầy sâu sắc. Ở con người ông, người ta đánh giá rằng sứ mệnh của một thi sĩ và nhiệm vụ của một chiến sĩ đã hòa quyện làm một.