Đời sống

Thông tin nóng vụ con gái nghi phạm nổ súng ở Vĩnh Long bị tai nạn, hé lộ điểm bất thường ở hiện trường

Liên quan đến vụ nữ sinh ở Vĩnh Long tai nạn giao thông tử vong hồi tháng 9/2024, luật sư của Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM đã đưa ra nhận định của mình.

Ngày 4/9/2024, nữ sinh N.N.B.T (SN 2010) tử vong trên đường đi học ngày đầu tiên, sau khi va chạm với một chiếc xe tải. Vụ việc từng gây chú ý lớn ở thời điểm đó. Mới đây, dư luận sững sờ khi cha của nữ sinh T đến nhà tài xế xe tải từng tông tử vong con mình, nã súng vào đầu đối phương sau đó tự sát. Ông Phúc (cha nữ sinh) đã không qua khỏi. Trong khi đó, người tài xế hiện đã qua cơn nguy kịch, vẫn đang nằm viện.

tai-nan-vinh-long-3
Cha của nữ sinh T đến nhà tài xế xe tải và nã súng vào đối phương. Ảnh: Camera an ninh

Theo Bản Kết luận nguyên nhân và lỗi trong vụ tai nạn giao thông, Đội CSGT Công an huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long xác định, tài xế xe tải mang BKS 84C-102.77 là ông Nguyễn Văn Bảo Trung, đã có hành vi “vượt xe không đảm bảo an toàn”.

Đến ngày 26/12/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long ra Quyết định Không khởi tố vụ án hình sự vì các lý do: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết.

Ngày 17/1/2025, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long ký Quyết định Hủy bỏ Quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn.

Ngày 23/1/2025, Thượng tá Nguyễn Hoàng Văn, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn ký văn bản Thông báo Về việc cơ quan này đã Không khởi tố vụ án hình sự vì lý do: Không có sự việc phạm tội.

tai-nan-vinh-long-1
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: LS Nguyễn Văn Quynh cung cấp

Mới đây, báo Phụ Nữ Việt Nam đã phỏng vấn luật sư về vụ việc năm 2024. Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM cho rằng, sự ra đi của nữ sinh đã để lại nỗi mất mát lớn cho gia đình và cộng đồng. Nhưng điều khiến nỗi đau hằn sâu hơn là khi cháu bé, nạn nhân đã qua đời lại được xác định là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết.

Luật sư Thanh chia sẻ: “Với tư cách là một luật sư và là người bảo vệ quyền trẻ em, tôi cho rằng cách sử dụng thuật ngữ pháp lý trong trường hợp này cần được xem xét thận trọng hơn, để đảm bảo phù hợp với tinh thần nhân đạo của hệ thống pháp luật Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về bảo vệ trẻ em.

tai-nan-vinh-long-2
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh. Ảnh: NVCC

Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ rằng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp thực hiện tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không nằm trong các trường hợp đó. Do vậy, kể cả trong giả định rằng cháu N.N.B.T có sơ suất trong việc điều khiển phương tiện, hành vi của em cũng chỉ ở mức vi phạm hành chính, không thể bị xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội theo chuẩn mực của luật hình sự.

Theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự và các giáo trình luật hình sự, hành vi nguy hiểm cho xã hội phải là hành vi xâm phạm hoặc đe dọa trực tiếp đến lợi ích xã hội được pháp luật bảo vệ, do người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và có lỗi thực hiện. Khi một em học sinh đi đúng phần đường, bị xe tải lấn làn, vượt trong điều kiện không bảo đảm an toàn, dẫn đến hậu quả thương tâm, thì việc gán ghép cho em trách nhiệm hình sự cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên nguyên tắc nhân quả khách quan”.

Cũng theo vị luật sư, sự việc xảy ra tại tuyến tỉnh lộ nhỏ, mặt đường chỉ khoảng 5 mét nên không có làn đường phân định rõ ràng, lưu lượng phương tiện hỗn hợp. Trong tình trạng đó, tài xế xe tải có trách nhiệm đặc biệt trong việc kiểm soát tốc độ, chủ động quan sát và nhường đường để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trong Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu rõ, tài xế chỉ được phép vượt khi chắc chắn không gây ra nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác.

Theo hiện trường thời điểm đó cho thấy, xe tải đã lấn sang phần đường ngược chiều, không có dấu hiệu phanh kịp thời khi gặp tình huống nguy hiểm. Điều đó làm dấy lên câu hỏi: Liệu hành vi vượt xe trong điều kiện đó có đáp ứng yêu cầu an toàn tuyệt đối theo quy định pháp luật hay không?

Trong trường hợp có lỗi hành chính từ nạn nhân như trong thông báo thì phải đánh giá trỏng mối tương quan tổng thể, không thể dùng lỗi nhỏ đó để che khuất bản chất vụ việc là thiếu an toàn từ phía phương tiện cơ giới trọng tải lớn.

Việc sử dụng cụm từ “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết” trong một văn bản tố tụng, khi chưa phân tích đủ các hành vi, lỗi và mối quan hệ nhân quả là điều cần phải rà soát cẩn trọng, tránh để lại tổn thương cho gia đình nạn nhân.

Ngoài ra, Luật Trẻ em năm 2016 khẳng định quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm và quyền được đối xử công bằng của trẻ em, bao gồm cả khi các em đã không còn. Vì thế mà các cơ quan tiến hành tố tụng cần luôn giữ thận trọng tối đa khi đánh giá, diễn đạt liên quan đến trẻ em, nhất là với các vụ việc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh nhấn mạnh: “Qua vụ việc này, tôi kính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, bao gồm Viện KSND tối cao, Bộ Công an và Ủy ban Tư pháp Quốc hội, tiến hành rà soát độc lập toàn bộ vụ việc, đảm bảo quá trình điều tra và xử lý phải khách quan, toàn diện, phù hợp với các nguyên tắc bảo vệ quyền trẻ em đã được pháp luật Việt Nam và quốc tế công nhận. Nếu phát hiện sai sót, cần thiết phải hủy bỏ các quyết định chưa phù hợp, phục hồi điều tra để bảo vệ sự công bằng tối thiểu cho nạn nhân”.