Đời sống

Một bộ phận giới trẻ tung hô Bùi Đình Khánh: Đừng bóp méo ‘bản lĩnh’, đồng cảm với sát nhân sẽ tạo ra sát nhân!

Một tên tội phạm từng nhiều lần ra tù vào tội, vừa qua dính vào vụ án chấn động, khiến một thiếu tá công an hy sinh lại được tung hô là “sống bản lĩnh”, “dám làm dám chịu”?

Tội phạm bỗng hóa "anh hùng"

Bùi Đình Khánh trở thành cái tên được nhắc đến nhiều trên mạng xã hội những ngày qua. Khánh chính là mắt xích quan trọng trong vụ án ma túy lớn vừa được Công an tỉnh Quảng Ninh triệt phá. Đáng chú ý, đối tượng này còn là nghi phạm nổ súng khiến Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải hy sinh.

Xuyên suốt quá trình truy lùng Bùi Đình Khánh được cập nhật trên mạng xã hội thường xuyên. Dư luận dành sự quan tâm đặc biệt cho đối tượng này. Bên cạnh những chỉ trích, lên án, một hiện tượng đáng báo động cũng xuất hiện trên mạng. Bùi Đình Khánh bất ngờ được tung hô như một kẻ đầy “bản lĩnh”, sống “đáng mặt đàn ông”, “ngầu”…

bui-dinh-khanh-1
Bùi Đình Khánh thời điểm bị bắt giữ. Ảnh: CACC

Những lời tung hô lệch lạc về Bùi Đình Khánh xuất hiện mọi nơi, số lượng không hề ít. Hành vi côn đồ, tội ác của Bùi Đình Khánh bỗng chốc được xem như một hành động “ngầu”? Tên tội phạm buôn ma túy, nổ súng chống trả công an lại được ca ngợi như “người hùng”? Hành vi vi phạm pháp luật lại được xem như “dám làm, dám chịu”?

bui-dinh-khanh-4 (1) bui-dinh-khanh-5 bui-dinh-khanh-6 bui-dinh-khanh-7 (1) bui-dinh-khanh-8 (1)

Những câu từ tung hô Bùi Đình Khánh như “mũi dao” cứa thêm vào nỗi đau của chiến sĩ đã hy sinh, gia đình và đồng đội của anh. Chúng còn khiến dư luận hoang mang. Một bộ phận giới trẻ ngày nay đã và đang bắt đầu nhận thức sai lệch nghiêm trọng về những tên tội phạm.

Đồng chí Nguyễn Đăng Khải đã hy sinh mạng sống để bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Vậy mà một nhóm người lại xem kẻ nổ súng vào anh là “bản lĩnh”, “anh hùng”, “bị dồn vào đường cùng”? Xin dẫn lời từ báo Công Lý: “Không có một xã hội văn minh nào tôn vinh kẻ bắn vào lực lượng bảo vệ pháp luật. Và càng không có một định nghĩa “bản lĩnh” nào có thể áp dụng cho kẻ sẵn sàng giết người để chạy trốn pháp luật”.

Bùi Đình Khánh không bị ai dồn vào đường cùng, chính hắn đã tìm đến con đường sa đọa, vũng lầy ma túy. Trước vụ án vừa qua, Khánh từng 2 lần ra tù vào tội. Một đối tượng tù tội, vi phạm pháp luật không xứng đáng với 2 từ “bản lĩnh”.

bui-dinh-khanh-3
Bùi Đình Khánh tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

Bản lĩnh khác với liều lĩnh

Có lẽ nhiều người trẻ đang có sự nhầm lẫn lớn về bản lĩnh. Bản lĩnh đúng nghĩa là khả năng giữ vững giá trị cá nhân trước những hoàn cảnh khó khăn, cám dỗ. Bản lĩnh suy cho cùng không nằm ở vẻ bề ngoài, mà ở sự kiên định, trách nhiệm và lòng can đảm.

Hành động của Bùi Đình Khánh là sự liều lĩnh, bất chấp tất cả, lì lợm khi liên tục phạm tội mà không biết dừng lại. Còn đồng chí Nguyễn Đăng Khải mới là hiện thân của bản lĩnh khi dám đối mặt nguy hiểm, bất chấp tử thần, hy sinh tính mạng vì sự bình yên của nhân dân.

Vậy câu hỏi đặt ra, từ đâu mà một bộ phận giới trẻ lại có cái nhìn lệch lạc như vậy? Hãy nhìn vào nhóm những “người nổi tiếng”, “giang hồ mạng” đang nổi như cồn trên mạng xã hội mà giới trẻ bắt gặp từng giờ, từng ngày. Những người này được gọi với những danh xưng như “thầy”, “anh lớn”, “idol”. Họ thích rao giảng dạy đời, khoe chiến tích, khoe cuộc sống giàu sang và sở hữu lượng fan rất đông. Không biết từ bao giờ giang hồ trở thành “idol”, vi phạm đạo đức lại xem như “chiến tích” và hành động phạm pháp lại được tô vẽ thành “bản lĩnh”. Liệu đây có phải một trong những lý do khiến một bộ phận giới trẻ hình thành sự lệch lạc trong suy nghĩ?

1745020600-hanh-trinh-tron-chay
Bùi Đình Khánh bị bắt giữ sau 24h lẩn trốn. Ảnh: CACC

Ai đó đã từng nói: "Đồng cảm với sát nhân sẽ tạo ra một sát nhân". Ranh giới giữa đồng cảm và bao biện rất mong manh, khiến nạn nhân vô tình bị bỏ quên. Dù lý do là gì thì việc giết một con người vẫn là vượt qua ranh giới của lương tri.

Khi xã hội dần quen với tội ác, tung hô kẻ gây ra tội ác thì đến một lúc nào đó, ranh giới đúng sai sẽ mờ nhạt. Người trẻ đang chông chênh rồi sẽ bám vào suy nghĩ: “Tôi cũng đau đớn, khổ cực, nên tôi có lý do để làm việc xấu”. Có những tên sát nhân sinh ra từ tổn thương, nhưng cũng có những kẻ được hình thành từ sự cổ vũ vô tình, cái nhìn cảm thông lệch lạc.