Khám phá mới

Bác sĩ kiệt xuất của Việt Nam: Dùng ngô, sắn tạo ra kháng sinh penicillin, tên được đặt cho nhiều con đường

Người đàn ông này là cha đẻ của thuốc kháng sinh penicillin, cũng là bác sĩ đầu ngành về nghiên cứu ký sinh trùng ở Việt Nam. Hiện tại, trên cả nước có nhiều tỉnh thành chọn tên ông để đặt cho các con đường, địa danh.

Trong cuốn “Lược sử y học nước Nam”, có 7 người được mệnh danh là danh y kiệt xuất, gồm: Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Đăng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung.

Trong đó, GS.BS Đặng Văn Ngữ (1910 – 1967) trở nên đặc biệt hơn cả khi là nhà khoa học đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu về ký sinh trùng ở Việt Nam. Ông nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước, góp công lớn trong thắng lợi của kháng chiến chống Pháp.

giao-su-dang-van-ngu-4
GS Đặng Văn Ngữ đã để lại 19 công trình nghiên cứu, trong đó có những công trình nổi tiếng trong nước, khắp Châu Á và trên thế giới. Ảnh tư liệu

Giáo sự Đặng Văn Ngữ quê ở An Cựu, thành phố Huế. Gia đình ông là gia đình nhà nho nghèo, rất trọng giáo dục. Lớn lên, Đặng Văn Ngữ học rất giỏi, thi đỗ Trường Y – Dược, Đại học Đông Dương và có bằng bác sĩ vào năm 1937. Ông chính là người Việt Nam đầu tiên được làm trợ lý cho Giáo sư Galliard – Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Hiệu trưởng Trường Y – Dược lúc bấy giờ.

Năm 1943, Đặng Văn Ngữ được cử sang Nhật Bản học tập và nghiên cứu ở Đại học Tokyo. Với tài năng vượt trội, ông được nhiều nước săn đón, cả người Pháp, Nhật hay Mỹ đều muốn vị giáo sư này đầu quân cho mình. Thế nhưng, trái tim ông chỉ hướng về Việt Nam và khát khao cống hiến cho Tổ quốc.

giao-su-dang-van-ngu-2
Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đang kiểm tra "nước lọc penicillin" trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu

Năm 1949, Đặng Văn Ngữ từ Nhật Bản qua Thái Lan, xuyên qua Lào, vượt dãy Trường Sơn để về Việt Nam. Hành trang của họ khi đó là chai lọ, bình, ống nghiệm, nồi niêu… Công việc đầu tiên họ bắt tay làm khi về nước là nghiên cứu sản xuất kháng sinh.

Trong những labo tạm bợ, thiếu cả vật chất lẫn nguồn lực, giáo sư Đặng Văn Ngữ đã dùng ngô, sắn, lương khô để nuôi cấy nấm, thành công điều chế penicillin. Chỉ bằng một phòng thí nghiệm đơn giản, “nước lọc penicillin” đã ra đời, quả thực là điều kỳ diệu lúc bấy giờ. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc làm nên chiến thắng cho dân tộc ta trong kháng chiến chống Pháp.

giao-su-dang-van-ngu-6
GS.BS Đặng Văn Ngữ giảng bài cho sinh viên trong phòng thí nghiệm ở Lang Quán (Tuyên Quang) trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu

Loại thuốc thần kỳ mà giáo sư Đặng Văn Ngữ tạo ra được sản xuất, dùng rộng rãi ở các trạm phẫu thuật ở tiền tuyến. Nó giúp 80% thương binh có thể trở về mà không bị mất chân, tay, cũng tránh được nguy cơ tử vong vì nhiễm trùng vết thương.

Cũng trong thời buổi thiếu thốn đủ thứ đó, Trường Đại học Y khoa kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc đã được thành lập. Giáo sư Hồ Đắc Di, giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Đặng Văn Ngữ chính là 3 người sáng lập ra ngôi trường này.

Năm 1955, giáo sư Đặng Văn Ngữ được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng danh hiệu Giáo sư. Ông chính là một trong 45 vị giáo sư đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

giao-su-dang-van-ngu-5
GS. Ngữ trình bày công trình chiết xuất Penicilline với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Ngoài ra, khi nói đến giáo sư Đặng Văn Ngữ còn phải nói đến nghiên cứu ký sinh trùng. Đây là lĩnh vực mà ông dành cả cuộc đời để nghiên cứu.

Năm 1957, ông thành lập Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng, đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc. Khi đã là lãnh đạo cấp cao của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương và Bộ môn Ký sinh trùng của Đại học Y Hà Nội, vị giáo sư này vẫn không ngại đến nơi hẻo lánh, vào rừng, lội suối để nghiên cứu ký sinh trùng. Một trong những mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất sự nghiệp giáo sư Đặng Văn Ngữ chính là diệt trừ bằng được bệnh sốt rét.

Nhờ những đóng góp của giáo sư Đặng Văn Ngữ, đến năm 1964, tỷ lệ mắc bệnh sốt rét của Việt Nam từ 90 – 100% dân số đã giảm xuống còn 20%.

giao-su-dang-van-ngu-1
Giáo sư Đặng Văn Ngữ chụp cùng con trai. Ảnh tư liệu

Đáng tiếc, “sinh nghề tử nghiệp”, năm 1967 khi đang nghiên cứu vaccine chống sốt rét tại chiến khu Trị - Thiên Huế (đi B), giáo sư Đặng Văn Ngữ đã hy sinh trong một trận Mỹ rải bom B-52. Ông ra đi khi chỉ mới 50 tuổi, bỏ lại rất nhiều dự định dang dở, tâm huyết còn chưa thực hiện được.

giao-su-dang-van-ngu-8
Những tư liệu, sổ công tác của GS Đặng Văn Ngữ nhưng năm 1966 trước khi vào chiến trường B. Ảnh tư liệu

Tên tuổi và công lao của giáo sư Đặng Văn Ngữ được người dân cả nước biết đến. Ngày nay, tên của ông xuất hiện ở nhiều địa phương tại Việt Nam. Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương có hai đơn vị chủ chốt là Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ và Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Tên của vị giáo sư cũng được đặt cho nhiều trường học, đường phố tại Hà Nội, Huế, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh... và nhiều tỉnh, thành phố khác.