Bà Nguyễn Phương Hằng bị hai nơi khởi tố, luật sư nổi tiếng chia sẻ thông tin gây tò mò
Hôm 22/4, Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Chỉ trước đó 1 tháng, CEO Đại Nam từng bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam về tội danh tương tự.
Câu hỏi đặt ra lúc này là cơ quan CSĐT Bộ Công an có thể rút hồ sơ lên để điều tra vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng hay không? Chia sẻ quan điểm về chuyện này, luật sư Vũ Phi Long, Nguyên Phó Chánh Tòa án Hình sự TAND TP.HCM đã lên tiếng. Trao đổi với Pháp Luật Online, ông Vũ Phi Long cho rằng cơ quan điều tra TP.HCM và Bình Dương đã khởi tố, điều tra vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng với cùng một hành vi là không trùng lặp thẩm quyền của hai cơ quan tố tụng, không có sự xung đột về thẩm quyền.
Theo Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự phạm tội trên địa phận của mình. Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Hằng từng livestream xúc phạm người khác cả ở TP.HCM và Bình Dương. Những cá nhân tố giác CEO Đại Nam gửi đơn đến cả công an TP.HCM và công an tỉnh Bình Dương.
Ông Vũ Phi Long nói thêm, căn cứ theo Khoản 5 Điều 163 BLTTHS, vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra cấp tỉnh, cụ thể là cơ quan điều tra Công an TP.HCM và cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương.
Cũng bàn về chuyện này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận định vụ án bà Nguyễn Phương Hằng thuộc thẩm quyền của cả cơ quan điều tra công an TP.HCM và Bình Dương.
Ông Nguyễn Văn Hậu cho biết, vụ án được khởi tố theo Điều 331 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Theo Khoản 1 Điều 9 BLHS 2015 thì đây là tội phạm nghiêm trọng, thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra cấp tỉnh. Tuy nhiên, trong vụ án có tính phức tạp, liên quan nhiều tỉnh, thành phố nên cơ quan điều tra Bộ Công an có thể xem xét về thẩm quyền điều tra của mình và lấy hồ sơ lên tiến hành điều tra.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết, cơ quan điều tra có thể nhập án để điều tra theo thẩm quyền trong cùng 1 vụ án với 3 trường hợp: Bị can phạm nhiều tội; Bị can phạm tội nhiều lần; Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị bị can phạm tội mà có.
Từ quy định trên, việc nhập vụ án chỉ xảy ra trong cùng 1 vụ án và do cơ quan điều tra tại địa phương thực hiện điều tra. Với trường hợp vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, cả cơ quan điều tra TP.HCM và Bình Dương đều đang điều tra độc lập. Đây là 2 cơ quan điều tra cùng cấp và ở mỗi địa phương người phạm tội lại có dấu hiệu cấu thành 1 tội danh độc lập nên không được tiến hành nhập vụ án. Trong trường hợp Cơ quan điều tra của Bộ Công an thụ lý điều tra theo thẩm quyền thì có thể tiến hành nhập án để điều tra.
Bà Nguyễn Phương Hằng có được giảm nhẹ hình phạt nhờ tích cực làm từ thiện với ông Dũng Lò Vôi?
(Techz.vn) – Bà Nguyễn Phương Hằng có nhiều hoạt động từ thiện trong những năm qua. Liệu việc này có giúp CEO Đại Nam được xem xét giảm nhẹ trong quá trình điều tra, tố tụng?