Khám phá mới

Vị vua trẻ nhất lịch sử Việt Nam: Là minh quân hiếm có, hậu thế ca ngợi nhưng có số phận bi thảm

Lên ngôi khi mới chỉ 1 tuổi, vị vua này không được kỳ vọng quá nhiều. Thế nhưng, ông đã cho thấy mình xứng đáng với hai chữ “minh quân” sau khi trưởng thành.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, vị vua trẻ nhất chính là Lê Nhân Tông, tên húy là Lê Bang Cơ, con trai của vua Lê Thái Tông và bà Nguyễn Thị Anh. Ngày 4/8/1442, vua Lê Thái Tông đột ngột qua đời vì vụ án Lệ Chi Viên. Bấy giờ, Lê Bang Cơ còn nhỏ nhưng đã gánh trên vai trọng trách lớn.

4 tháng sau khi vua Lê Thái Tông qua đời, Lê Bang Cơ được các đại thần như Trịnh Khả, Lê Thụ, Nguyễn Xí đưa lên ngôi. Lúc này ông chỉ mới 1 tuổi 6 tháng đã nắm trong tay quyền lực mạnh nhất.

le-nhan-tong-1

Ở độ tuổi sữa mẹ còn chưa dứt, nói còn chưa sõi, Lê Bang Cơ không thể trị vì đất nước. Mẹ ông – Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh đã buông rèm nhiếp chính. Ngoài ra còn có sự trợ giúp của các đại thần như Nguyễn Xí, Trịnh Khả.

Năm Lê Bang Cơ được 12 tuổi, quyền lực trao trả lại tay ông. Vị vua trẻ này chính thức bắt tay vào lo chuyện triều chính, còn Hoàng thái hậu lui về hậu cung. Dân chúng cũng bắt đầu kiểm chứng được năng lực của vua Lê Nhân Tông từ đây.

le-nhan-tong-2

Không như suy nghĩ của nhiều người, vua Lê Nhân Tông dù trẻ người nhưng rất anh minh, lỗi lạc. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép về vua như sau: “Vua tuổi còn ấu thơ đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho, nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ”.

Dưới thời Lê Nhân Tông, Nho học được coi trọng. Vị vua này đặc biệt không sa đà vào tửu sắc, cũng rất biết lắng nghe can gián của quần thần. Đại Việt nhờ có vị vua tốt như vậy mà ngày càng phát triển toàn diện. Đáng chú ý, nước ta lúc bấy giờ còn đánh bại vua Chiêm Bí Cai và sáp nhập được xứ Bồn Man vào Đại Việt.

le-nhan-tong-3

Vua vừa tài giỏi lại có lòng thương người. Ông thường xuyên giảm tô, thuế, ba thưởng cho công thần, quyết diệt trừ nạn thảo khấu, lũ loạn đảng. Thậm chí Lê Nhân Tông còn cho lật lại nhiều vụ án, trả lại ruộng đất, của cải cho con cháu các đại thần bị xử tử trước đó.

Nhưng bi kịch vẫn đến với vua Lê Nhân Tông. Năm 1459, binh biến đoạt ngôi của Lê Nghi Dân (anh cùng cha khác mẹ của Lê Nhân Tông) diễn ra. Vua Lê Nhân Tông bị sát hại khi chỉ mới 18 tuổi. 1 ngày sau, mẹ ông là Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh cũng bị hại và qua đời ở tuổi 38. Việc vua Lê Nhân Tông đột ngột qua đời được đánh giá là mất mát lớn với người dân Đại Việt.