Lý do bà Nguyễn Phương Hằng không được tại ngoại như ông Lê Tùng Vân dù cùng bị khởi tố 1 tội danh
Hôm 24/3 vừa qua, bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM quyết định khởi tố, tạm giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tội danh này giống với ông Lê Tùng Vân và 3 “đệ tử” trước đó.
Cụ thể, hồi đầu tháng 1/2022, Công an tỉnh Long An đã khởi tố ông Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương về tội danh tương tự bà Nguyễn Phương Hằng. Trong khi 3 “đệ tử” bị tạm giam, người đứng đầu Tịnh Thất Bồng Lai lại được tại ngoại, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Dư luận bắt đầu đặt ra câu hỏi, vì sao cùng một tội danh nhưng lại có sự khác biệt lớn như vậy? Để trả lời câu hỏi này, cần hiểu rõ lý do ông Lê Tùng Vân được tại ngoại, áp dụng cấm đi khỏi nơi cư trú. Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường từng phân tích, cơ quan điều tra chỉ tạm giam khi bị can thuộc các trường hợp theo quy định tại Điều 119 Bộ luật hình sự. Cụ thể là: bỏ trốn, không có nơi cư trú rõ ràng, cản trở hoạt động điều tra… Bị can được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú nếu không thuộc các trường hợp trên.
Một điều đáng lưu ý ở đây là, bị can, bị cáo nếu là phụ nữ có thai hay nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng sẽ được áp dụng biện pháp ngăn chặn rời khỏi nơi cư trú.
Ông Lê Tùng Vân đã gần 90 tuổi, không nằm trong các trường hợp bắt buộc áp dụng biện pháp tạm giam nên cơ quan điều tra quyết định cho về nhà, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Bên cạnh đó, việc xác định tội của bị can nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định cho tại ngoại hay tạm giam. Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, tội ít nghiêm trọng nếu truy tố theo khoản 1 (mức án cao nhất 3 năm tù) và là tội nghiêm trọng nếu truy tố theo khoản 2 (mức án cao nhất 7 năm tù) của điều luật.
Luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc công ty luật Cán Cân Việt, đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố theo khoản 2 Điều 331 (tội nghiêm trọng), lại không thỏa mãn các nội dung quy định tại Điều 119 đã kể trên.
Đáng nói hơn, trước đó cơ quan điều tra cho rằng bà Nguyễn Phương Hằng không hợp tác điều tra, cản trở hoạt động điều tra. Khi bị hạn chế xuất cảnh, CEO Đại Nam còn phát ngôn trên mạng thể hiện thái độ chống đối, coi thường pháp luật. Vì vậy, dựa theo quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra tiến hành áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam với bà Hằng là có căn cứ.
Bà Nguyễn Phương Hằng vừa bị bắt giữ, Tịnh Thất Bồng Lai hân hoan báo tin vui, mở tiệc ăn mừng
(Techz.vn) – Trong lúc bà Nguyễn Phương Hằng gây xôn xao vì bị khởi tố, bắt tạm giam, dư luận mới đây lại phải chú ý đến Tịnh Thất Bồng Lai.