Thế giới

Tổng thống Putin lập tức có chỉ đạo đáng chú ý sau khi Nga – Mỹ tổ chức đàm phán vắng mặt Ukraine

Phát ngôn chỉ đạo mới đây của Tổng thống Nga Putin gây chú ý khi diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Nga – Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt. Hai bên vừa kết thúc hội đàm tại Ả Rập Xê Út mà không có sự tham dự của Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 tuyên bố Nga có thể điều chỉnh sự trở lại của các công ty phương Tây muốn quay lại thị trường nước này, ngụ ý rằng Moscow có thể áp đặt các hạn chế hoặc điều kiện đối với họ.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Công nghệ Tương lai, ông Putin nhấn mạnh: “Chúng ta có thể điều chỉnh phù hợp sự trở lại thị trường của những công ty muốn quay trở lại”, “Các vấn đề bên ngoài, lệnh trừng phạt, với tất cả những thách thức và khó khăn đối với chúng ta, đã đóng một vai trò quan trọng”.

nga-1
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ có dấu hiệu ấm trở lại dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ngày 18/2, tại Ả Rập Xê Út, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Marco Rubio. Đây là cuộc đối thoại cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo Ngoại trưởng Lavrov, hai bên đã nhất trí bắt đầu tiến trình giải quyết xung đột Ukraine, bổ nhiệm đại sứ ở mỗi nước và dỡ bỏ các rào cản đối với các phái bộ ngoại giao.

Báo Moscow Times dẫn lời Kirill Dmitriev, một thành viên trong phái đoàn Nga, cho biết Moscow đang đề xuất với chính quyền Trump một thỏa thuận về tài nguyên của Nga và quyền tiếp cận Bắc Cực. Nga cũng tìm cách khôi phục khoảng 6 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga đang bị phong tỏa tại Mỹ, đồng thời yêu cầu khôi phục hoàn toàn các phái bộ ngoại giao và trả lại tài sản ngoại giao từng bị Mỹ tịch thu.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, hàng trăm công ty phương Tây đã rút khỏi thị trường Nga để tránh liên quan đến nền kinh tế nước này. Theo Viện Kinh tế Kiev, 472 công ty nước ngoài đã rút hoàn toàn, trong khi 1.360 công ty khác thu hẹp hoạt động. Điện Kremlin đã áp đặt các quy định chặt chẽ đối với việc rút lui của các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm yêu cầu sự chấp thuận từ một ủy ban chính phủ, bán tài sản với mức giá giảm 50% và chịu "thuế rút lui" tối thiểu 10%. Chính quyền Nga cũng đã tịch thu tài sản từ một số công ty phương Tây vẫn hoạt động tại nước này, được coi là biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Dù vậy, bất chấp những rào cản này, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn tìm cách tiếp tục hoạt động tại Nga hoặc quay lại thị trường sau thời gian tạm dừng. Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nhận định rằng ông Putin đang tận dụng tối đa các cuộc đàm phán với Mỹ để đạt được những nhượng bộ kinh tế và ngoại giao có lợi cho Moscow.

nga-2
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo ISW, Nga có thể đang cố gắng thúc đẩy Mỹ chấp nhận các điều khoản không liên quan trực tiếp đến cuộc chiến Ukraine, nhằm đổi lấy các nhượng bộ từ phương Tây.

Nếu chính quyền Trump đồng ý với các điều khoản này mà không yêu cầu đổi lại nhượng bộ nào từ phía Nga liên quan đến Ukraine, Moscow có thể đạt được lợi thế đáng kể. Điều này có thể giúp ông Trump đạt mục tiêu mà ông từng đề cập: "Một nền hòa bình lâu dài và bền vững có lợi cho cả Mỹ và Ukraine".