Khám phá mới

Lộ nơi Trung Quốc bí mật xây ‘vua đập’ gấp 3 lần đập Tam Hiệp, thế giới kịch liệt phản đối vì sợ hãi

Đập Tam Hiệp vốn là con đập lớn nhất thế giới tính đến hiện nay. Nhưng trong tương lai, vị trí của nó sẽ bị soán ngôi. Một “vua đập” khác đang được Trung Quốc xây dựng.

Cuốn sách "Nước: Chiến trường mới của châu Á?" của Giáo sư Brahma Chellaney đã cảnh báo về sự khan hiếm nước ngày càng gia tăng tại châu Á, có thể dẫn đến căng thẳng giữa các quốc gia. Thực tế, tầm nhìn này phần nào đúng khi Trung Quốc hiện đang âm thầm xây dựng siêu đập lớn nhất thế giới trên sông Yarlung Tsangpo (Brahmaputra), với công suất lên tới 60.000 Megawatts – gấp gần 3 lần siêu đập Tam Hiệp.

Siêu công trình được xây dựng bí mật, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Dự án này không chỉ vấp phải tranh cãi về môi trường, an ninh khu vực mà còn đe dọa nguồn nước của Ấn Độ và Bangladesh, khiến nhiều quốc gia lên tiếng phản đối.

Dự án bắt đầu được phê duyệt vào năm 2021 khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Tuy nhiên, Bắc Kinh giữ kín các thông tin cập nhật về tiến độ thi công, khiến dư luận hoài nghi về mục đích thực sự của con đập.

dap-thuy-dien-trung-quoc-1
Tuyến đường sắt tỷ đô nối Lhasa với Nyingchi. Ảnh: Railwaygazette

Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi công khai dự án. Vào tháng 5/2021, họ hoàn thành tuyến đường cao tốc xuyên qua hẻm núi sâu nhất thế giới, kết thúc gần làng Bishing (biên giới với Ấn Độ). Sau đó, đến tháng 6/2021: Khánh thành tuyến đường sắt điện khí hóa Tây Tạng, trị giá 5,7 tỷ USD, chạy từ Lhasa đến Nyingchi – sát biên giới với Ấn Độ.

Cả hai tuyến đường này được cho là phục vụ việc vận chuyển nguyên vật liệu, công nhân, thiết bị đến địa điểm xây dựng siêu đập, nằm trong khu vực hiểm trở bậc nhất thế giới.

Siêu đập này được xây dựng trên sông Yarlung Tsangpo, tại vùng dãy Himalaya, nơi có hẻm núi sâu nhất thế giới (6.008m) và lưu lượng nước trung bình lớn thứ ba thế giới.

dap-thuy-dien-trung-quoc-2
Thung lũng sông Yarlung Tsangpo. Ảnh: Internet

Đặc biệt, khu vực này nằm trên đường đứt gãy địa chấn, có nguy cơ xảy ra động đất lớn. Một trận động đất mạnh có thể biến siêu đập thành một quả "bom nước", đe dọa các vùng hạ lưu như Đông Bắc Ấn Độ và Bangladesh.

Vào năm 2008, trận động đất ở Tứ Xuyên (87.000 người chết) bị nghi ngờ liên quan đến sức ép từ đập Tử Bình Phô, khi hồ chứa của nó tích nước lên đến 315 triệu tấn. Điều này làm dấy lên lo ngại về rủi ro của siêu đập mới trên sông Yarlung Tsangpo.

Nhiều quốc gia cảm thấy lo ngại

Đất nước đầu tiên bày tỏ sự lo ngại về an ninh nước và môi trường mà siêu đập mới để lại là Ấn Độ. Brahmaputra chính là một trong những nguồn nước quan trọng nhất của Ấn Độ, đặc biệt là khu vực Đông Bắc nước này. Việc Bắc Kinh kiểm soát dòng chảy có thể gây ra thiếu nước hoặc lũ lụt nhân tạo. Ngoài ra, môi trường vùng Đông Bắc Ấn Độ có thể bị tàn phá nặng nề.

Không chỉ vậy, nếu Bangladesh phải hứng chịu thiếu nước, làn sóng di cư từ Bangladesh sang Ấn Độ có thể tạo ra khủng hoảng nhân đạo.

Không chỉ Ấn Độ, Bangladesh cũng không thể vui vẻ khi con đập khổng lồ được xây dựng. Họ sẽ phải đối mặt nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng. Bởi lẽ Bangladesh phụ thuộc hoàn toàn vào dòng nước Brahmaputra. Nếu Trung Quốc kiểm soát dòng chảy, Bangladesh có thể bị hạn hán vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa. Cùng với đó, quốc gia này đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, và siêu đập có thể làm tình hình tồi tệ hơn.

dap-thuy-dien-trung-quoc-3
Dòng sông Brahmaputra là nguồn nước ngọt lớn của Bangladesh. Ảnh: Internet

Tây Tạng cũng bị ảnh hưởng bởi siêu đập mới của Trung Quốc. Với người Tây Tạng, sông Yarlung Tsangpo là một biểu tượng thiêng liêng trong văn hóa Phật giáo. Nhiều người lo ngại thiên nhiên và hệ sinh thái của vùng đất này sẽ bị tàn phá nghiêm trọng khi con đập đi vào hoạt động.

Dự án siêu đập trên sông Yarlung Tsangpo có thể định hình lại cán cân thủy điện toàn cầu, nhưng đi kèm với đó là những rủi ro chiến lược, môi trường và địa chính trị khổng lồ.

Trung Quốc cần minh bạch hơn về kế hoạch vận hành con đập, tránh gây ra những mâu thuẫn khu vực, ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước của các nước láng giềng.

Dù Trung Quốc đang nỗ lực giữ kín thông tin, nhưng rõ ràng siêu đập này đã và đang gây ra một cuộc tranh luận lớn trong khu vực châu Á – nơi nước không chỉ là nguồn tài nguyên, mà còn là yếu tố chiến lược quyết định sự ổn định của cả khu vực.

Tham khảo: Asia.Nikkei, Asia Society, IP Defense Forum, Pressenza