Thế giới

Châu Âu lập tức chỉ trích, cảnh báo Tổng thống Donald Trump không lập ‘thỏa thuận bẩn’ với Nga

Sau khi Tổng thống Trump và ông Putin điện đàm, châu Âu đã lên tiếng cảnh báo Mỹ không nên lập ‘thỏa thuận bẩn’ với Nga.

Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thảo luận về khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, nội dung cuộc trao đổi và những tuyên bố sau đó từ chính quyền Mỹ đã làm dấy lên những lo ngại từ phía châu Âu, khi có ý kiến cho rằng Washington có thể đơn phương lập thỏa thuận với Moscow mà không có sự tham gia của Ukraine.

Ngay sau cuộc điện đàm, các lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ quan ngại về khả năng Ukraine phải từ bỏ một phần lãnh thổ và việc gia nhập NATO để đổi lấy hòa bình. Bà Kaja Kallas, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cảnh báo: "Bất kỳ giải pháp nhanh chóng nào cũng là một thỏa thuận bẩn. Tại sao chúng ta lại trao cho Nga mọi thứ họ muốn ngay cả trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu?".

my-2
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau năm 2018. Ảnh: REUTERS

Hàng loạt quan chức cấp cao khác của EU cũng lên tiếng phản đối. Ông Antonio Costa, lãnh đạo Hội đồng châu Âu, nhấn mạnh rằng hòa bình không thể chỉ là một lệnh ngừng bắn đơn thuần mà phải đảm bảo Nga không còn là mối đe dọa đối với Ukraine và châu Âu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố bác bỏ bất kỳ "hòa bình áp đặt" nào, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức bày tỏ lo ngại về việc Washington "nhượng bộ" Điện Kremlin. Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng khẳng định Ukraine phải là trung tâm của mọi cuộc đàm phán hòa bình.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố mạnh mẽ: "Chúng tôi, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, sẽ không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu không có chúng tôi".

Trước làn sóng chỉ trích, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ngày 13/2 đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc rằng Washington đang phản bội Ukraine. Ông khẳng định rằng thế giới thật may mắn khi có ông Trump, người được ông mô tả là "nhà đàm phán tuyệt nhất hành tinh", đang cố gắng đạt được hòa bình cho Ukraine.

"Không có sự phản bội nào cả. Cả thế giới và nước Mỹ đều đang đầu tư và quan tâm đến hòa bình. Điều đó sẽ đòi hỏi cả hai bên phải công nhận những điều mà họ không muốn", ông Hegseth tuyên bố.

my-1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth (giữa) tham gia cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels ngày 13-2. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Nga cũng đưa ra thông điệp riêng về tiến trình đàm phán. Theo Hãng tin TASS, Điện Kremlin khẳng định Ukraine sẽ tham gia đàm phán hòa bình "bằng cách này hay cách khác", nhưng nhấn mạnh rằng sẽ có một lộ trình riêng giữa Mỹ và Nga. Khi được hỏi về khả năng châu Âu tham gia, Moscow tỏ ra dè dặt và cho rằng "vẫn còn quá sớm để nói về điều đó".

Ngày 13/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận rằng cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin được đề xuất từ phía Mỹ. Ông Peskov cũng không loại trừ khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục điện đàm trước khi có cuộc gặp trực tiếp.

Sau cuộc trao đổi, ông Trump tiết lộ rằng ông dự kiến sẽ gặp ông Putin tại Saudi Arabia. Điện Kremlin cũng bày tỏ sự ấn tượng với lập trường của ông Trump về việc chấm dứt xung đột Ukraine, đồng thời xác nhận rằng hai bên đang tiến hành các bước chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ. Theo ông Peskov, quá trình chuẩn bị có thể mất vài tháng, nhưng cả hai bên đều đồng thuận rằng thủ đô Riyadh của Saudi Arabia là một địa điểm phù hợp.

Ngoài Saudi Arabia, Trung Quốc cũng được cho là đã đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại nước này. Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Bắc Kinh mong muốn đóng vai trò trung gian trong tiến trình hòa bình.