Người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam dám thế chấp tính mạng 3 đời để cứu dân nghèo
Không đành lòng nhìn dân nghèo sống cảnh đói khổ, chết dần chết mòn, người phụ nữ này đã mang tính mạng 3 đời của dòng tộc để đổi lấy cái ăn cho mọi người.
Dòng tộc Lê Công luôn rất tự hào về một người phụ nữ. Bà chính là một trong những bà tổ của họ Lê Công – Huỳnh Thị Phú. Bà Phú là vợ thứ của ông Lê Công Thoàn. Sinh thời, bà không chỉ nổi tiếng bởi sự thông minh, tài trí mà còn là người có lòng thương người vô hạn.
Chuyện kể rằng năm xưa vùng Châu Đốc vẫn còn là rừng rậm, lau sậy, có rất nhiều thú dữ. Nơi đây có một cái đồn nằm cô quạnh, được lập ra để canh giữ vùng biên cương là chính.
Bà Huỳnh Thị Phú sau những lần đi thăm điền đất đã chứng kiến không biết bao nhiêu hình ảnh người dân bị bệnh không ai cứu chữa, đành chấp nhận cái chết. Chính bà đã bỏ tiền ra để xây một nhà thương, mời các danh y về trả lương hậu hĩnh, bốc thuốc miễn phí cho người dân nghèo vùng Châu Phú – Châu Đốc.
Chưa dừng lại ở đó, nhìn trẻ con nơi đây không được đi học, chẳng biết phép tắc, lễ nghĩa là gì, bà Huỳnh Thị Phú đã bỏ tiền, hiến đất để mở lớp học, mời thầy về dạy chữ Nho con chúng.
Lo xong chuyện này lại đến chuyện khác. Vùng Châu Đốc vốn là nơi thường xuyên xảy ra động binh. Giặc bên kia biên giới rất hay kéo sang đây quấy nhiễu, cướp phá của dân ta. Dân tình vùng này vì thế mà sống khốn khổ, nhiều gia đình rơi vào cảnh ly tán. Thậm chí, có nhà vì nghèo quá, không có đủ cái ăn mà đành lòng bỏ con trong rừng cho thú dữ ăn thịt, hoặc đóng bè chuối để thả con trôi theo dòng nước sông Hậu mong có người cứu giúp.
Bà Huỳnh Thị Phú biết chuyện liền cử người vào rừng hoặc men theo bờ sông Hậu tìm những đứa trẻ bị bỏ rơi để cưu mang trong một ngôi nhà chung. Sau hành động của bà, các gia đình khó khăn thay vì làm điều dại dột như trước thì nay quyết định đưa con đến nương nhờ ở mái ấm của bà Phú.
Người Châu Đốc vốn đã quen với cảnh cứ tháng 7 – tháng 11 âm lịch sẽ gặp cảnh lũ lụt. Dân vùng này khi đó không biết làm gì ngoài bỏ làng, bỏ xóm mà đi đến những nơi khô ráo. Những ai không đi thì ở lại cầm cự cho qua ngày, chấp nhận sống cảnh đói khổ.
Bà Huỳnh Thị Phú dĩ nhiên không thể ngồi im khi biết chuyện. Bà lập tức làm đơn xin vay lúa của triều đình nhà Nguyễn để cứu tế dân nghèo. Thế nhưng, lúc bấy giờ giao thông, liên lạc khó khăn, phải nhiều ngày trời “sớ xin cứu trợ” mới đến được kinh thành.
Sợ mọi chuyện chậm trễ sẽ khiến dân chết đói, bà Huỳnh Thị Phú đã nghĩ ra cách. Khi nước lên, bà liền viết sớ gửi ra Huế. Trong thời gian chờ hồi đáp, bà Phú mở kho lúa của gia đình để cứu tế trước, rồi sau đó chờ sớ được phê duyệt sẽ lấy lúa trong kho thành Châu Đốc sau.
Nhà Nguyễn tin tưởng vào uy tín của bà Phú và gia tộc nên đồng ý với việc cứu tế. Tuy nhiên, triều đình lại ra thêm điều kiện rằng bà phải cam kết trả lúa đúng hạn vào mùa lúa năm sau, nếu không sẽ có tội với triều đình và nhận án “tru di tam tộc”.
Dù rất đồng tình với những việc tốt bà Phú làm nhưng người trong gia tộc cũng không tránh khỏi lo lắng. Họ sợ rằng năm sau bị mất mùa, không đủ lúa trả cho vua sẽ mất mạng cả nhà. Tuy nhiên, bà Phú vẫn kiên định động viên mọi người, đứng ra cam kết sẽ chịu trách nhiệm trả đủ lúa cho triều đình.
Nước lũ rút đi, dân nghèo cảm kích việc làm của bà Huỳnh Thị Phú nên ra sức cày cấy. Ngoài ra, lớp phù sa màu mỡ do nước lụt để lại đã giúp họ có một mùa vụ bội thu, lấy lúa trả triều đình.
Những việc làm tốt của bà Huỳnh Thị Phú được dòng tộc cũng như người dân Châu Phú – Châu Đốc ghi nhận. Triều đình cũng ban thưởng cho bà. Cũng sau sự việc đứng ra đảm bảo để vay lúa, dòng tộc Lê Công được triều đình ban Sắc phong của Thượng đẳng Đại thần Nguyễn Hữu Cảnh về thờ. Sắc thần này vẫn được bày trang trọng trong bàn thờ Cửu huyền thất tổ của dòng tộc này.