Quốc phục chính thức của Việt Nam là gì? Lý do áo dài chưa được chọn làm quốc phục nước ta
Trong WeChoice 2024, Trấn Thành có phát ngôn gây tranh cãi liên quan đến quốc phục Việt Nam. Tại sao nam MC lại bị chỉ trích, vậy quốc phục nước ta là gì?
Tại lễ trao giải, MC Trấn Thành cùng Hoa hậu Kỳ Duyên đã công bố giải thưởng ở hạng mục "Ca sĩ/Rapper có hoạt động đột phá". Trong phần phát biểu của mình, Trấn Thành bày tỏ sự ngưỡng mộ khi thấy các khách mời và khán giả diện áo dài tham dự sự kiện. Tuy nhiên, anh đã gây tranh cãi khi nhầm lẫn gọi áo dài là quốc phục.
"Lần đầu tiên tại một lễ trao giải, chúng ta có thể hãnh diện khi mặc quốc phục dự sự kiện. Nhìn kỹ, quốc phục của chúng ta rất thời trang. Mọi người đều chú ý xem mình mặc gì, có đẹp không. Đó là điều khiến tôi vô cùng tự hào", Trấn Thành chia sẻ trong phần phát biểu trực tiếp.
Tuy nhiên, phát biểu này đã gây tranh luận trên mạng xã hội, khi nhiều người cho rằng thông tin Trấn Thành đưa ra chưa chính xác, bởi áo dài chưa được công nhận chính thức là quốc phục của Việt Nam.
Quốc phục chính là trang phục truyền thống được xem như biểu tượng quốc gia, thường dùng trong dịp lễ, sự kiện quan trọng hay các nghi lễ tôn giáo. Quốc phục thể hiện bản sắc văn hóa, lịch sử và truyền thống của một đất nước.
Nhiều người dân nghĩ rằng áo dài chính là quốc phục Việt Nam vì nó đã quá nổi tiếng, được hình thành và phát triển theo chặng dài lịch sử dân tộc, trở thành biểu tượng đặc trưng cho người phụ nữ Việt.
Trên thực tế, từ những năm 1996 – 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng chỉ đạo Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) sớm ban hành quy định về quốc phục. Áo dài luôn nằm trong đề án trở thành quốc phục Việt Nam, lễ phục nhà nước. Nhưng đến này chuyện này vẫn chưa thể thực hiện.
Nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn này được cho là vì những tranh cãi xoay quanh bộ mẫu áo dài để phổ biến chưa tạo được đồng thuận về lễ phục của nam giới. Ngoài ra còn nhiều ý kiến trái chiều, quan điểm khác nhau về quốc phục, còn cả vấn đề pháp lý.
Hiện tại, không rõ cấp nào, ai là người có đủ thẩm quyền công nhận, phê duyệt chính thức văn bản hành chính về biểu tượng văn hóa của dân tộc, trong đó có vấn đề quốc phục, quốc hoa Việt Nam. Bởi vậy mà đến nay vẫn chưa có văn bản hay quy định nào xác minh áo dài hay bất cứ trang phục nào khác là quốc phục.
Báo Lao Động mới đây cũng đưa tin, ông Võ Hồng Phúc – Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chia sẻ quan điểm về chuyện quốc phục như sau: “Đến bao giờ ta có lại được bộ Quốc phục để cho những người làm công tác đối ngoại sánh vai cùng các bộ quốc phục của các nước? Để cho những người làm công tác đối ngoại dễ mặc, dễ đi, dễ đứng và dễ nói! Biết đến bao giờ? Gần ba mươi năm đã qua, kể từ ngày Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao nhiệm vụ!”.
Thảm đỏ WeChoice 2024: Trấn Thành tay trong tay Kỳ Duyên; Hương Giang, Thùy Tiên và dàn sao đọ sắc