Vị đại tướng duy nhất của Việt Nam là người Nghệ An: Tài thao lược xuất thần, có bí danh độc lạ
Cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam trân trọng gọi vị Đại tướng này là “Tướng Hai Mạnh”. Trong khi đó, Quân đội và nhân dân Lào thì gọi ông với cái tên trìu mến “Tướng Thạo Chăn”.
Tính đến 12/7/2021, Quân đội Nhân dân Việt Nam có 16 quân nhân được phong quân hàm Đại tướng. Trong đó, chỉ có Đại tướng Chu Huy Mân (1913 – 2006) là người quê Nghệ An. Tên khai sinh của ông là Chu Văn Điều, sinh ra ở xã Yên Lưu, Tổng Yên Trường, Phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An).
Đại tướng Chu Huy Mân sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khổ. Ông có tinh thần yêu nước từ nhỏ, từng tham gia Đội Tự vệ đỏ trong cao trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh, sau đó làm bí thư phân huyện ủy Hưng Nguyên. Tháng 11/1930 ông được kết nạp Đảng và sau đó là quãng thời gian hoạt động cách mạng năng nổ, nhiệt huyết.
Quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng đã nhiều lần đổi bí danh, nhưng bí danh Chu Huy Mân là nổi tiếng nhất, theo ông trọn đời. “Huy” ở đây là trong sáng, “Mân” là ngọc. Vị Đại tướng xứ Nghệ còn có 2 bí danh nổi tiếng khác: Đầu tiên là “Anh Hai Mạnh” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt, ý nói mạnh cả về quân sự và chính trị; thứ hai là “Tướng Thạo Chăn” - bí danh khi ông còn hoạt động tại Lào.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Chu Huy Mân lập nhiều chiến công, là người lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tham gia hàng loạt chiến dịch lớn như: Việt Bắc - Thu Đông (1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)… góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đặc biệt, vị tướng này có nhãn quan chiến thuật, tư duy quân sự vô cùng xuất sắc. Ông luôn dự đoán đúng những vấn đề phát sinh trên chiến trường, từ đó giúp quân ta có được sự chuẩn bị tốt. Bên cạnh đấu tranh vũ trang, Đại tướng Chu Huy Mân còn đấu tranh cả trên mặt trận chính trị.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Chu Huy Mân cũng có bảng chiến công đầy vẻ vang như: Trận Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me - Ia Đrăng; xây dựng “vành đai diệt Mỹ”; chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu Thân (1968), Bắc Bình Định (1972), chiến dịch Huế, Đà Nẵng (1975)…, góp phần cùng quân dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nhờ những đóng góp to lớn của mình, năm 1974, đồng chí Chu Huy Mân được phong quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng. Sau đó, năm 1980, ông được phong quân hàm Đại tướng, tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Nhà nước ta và các nước bạn trao tặng.
Khi nghe tin Đại tướng Chu Huy Mân qua đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng xúc động gửi gắm: “Đối với tôi, Đại tướng Chu Huy Mân là người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết, người cán bộ mà tôi đặt nhiều niềm tin khi đồng chí được giao những nhiệm vụ quan trọng. Suốt cuộc đời, Đại tướng Chu Huy Mân đã đem hết ý chí, sức lực và trí tuệ góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; cho đến những ngày cuối đời, đồng chí vẫn suy nghĩ, lo lắng nhiều đến nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.
Theo Báo QĐND