Thân thế người Việt Nam đầu tiên hiến xác cho y học: Từng gây chấn động cả nước, mang căn bệnh hiếm khi ra đời
Ra đi khi mới 24 tuổi, chàng trai này chắc hẳn vẫn còn rất nhiều dự định dang dở. Thế nhưng, ít nhất thì nguyện vọng được hiến xác cho y học của anh cũng đã thành sự thật. Đây cũng là người đầu tiên có nghĩa cử cao đẹp đó ở Việt Nam.
Có nhiều người cho rằng chết là hết, là biến mất khỏi cuộc đời vĩnh viễn. Nhưng cũng có những người tin rằng dù không còn tồn tại bằng xương bằng thịt, vẫn có thể cống hiến cho xã hội theo cách rất riêng. Thay vì lựa chọn được chôn cất thì họ ở lại với cuộc đời, theo một cách khác.
Khái niệm hiến tạng không còn xa lạ ở thời điểm hiện tại. Nhưng vào khoảng gần 30 năm trước thì nó quả thực gây chấn động dư luận. Năm 1996, người Việt Nam đầu tiên hiến xác cho y học xuất hiện. Đó là một chàng trai trẻ, ra đi khi chỉ mới 24 tuổi mà thôi. Người được nhắc đến là Nguyễn Đức Minh.
Đức Minh sinh năm 1972, ở TP.HCM. Ngay từ khi mới sinh ra, Minh đã mắc chứng Marfan hiếm gặp. Cơ thể anh cao gầy lòng thòng, tay chân lỏng lẻo, bàn chân lớn bất thường và phẳng. Không chỉ vậy, Minh còn bị gián đoạn phát triển và chức năng của nhiều cơ quan, trong đó có tim, mắt.
Dù vậy, Nguyễn Đức Minh vẫn luôn nỗ lực vượt lên trên nghịch cảnh. Trong thời gian học ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, anh chàng bộc lộ năng khiếu chơi được nhiều loại nhạc cụ như piano, guitar, trống… Bên cạnh đó Minh còn chăm hoạt động từ thiện, giúp đỡ cộng đồng.
Bệnh tật khiến Đức Minh từng có thời gian phải vào Viện Tim TP.HCM nằm trong thời gian dài. Viện này sát ngay Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM (hiện là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch). Cũng từ đây mà Minh biết về một nơi đặc biệt. Nơi đó có xác người để bác sĩ, sinh viên y khoa học tập, nghiên cứu.
Sau khi có cơ hội tham quan nơi này, tháng 3/1996, Nguyễn Đức Minh bày tỏ tâm nguyện được hiến xác sau khi qua đời. Thời điểm đó, thông tin này quả thực gây choáng với mọi người. Minh kiên trì thuyết phục gia đình rằng bản thân từ khi sinh ra đến nay chưa làm được gì tốt cho xã hội nên mong muốn khi mất đi được cống hiến dù ít dù nhiều. Cuối cùng Đức Minh nộp hồ sơ đăng ký ở Đại học Y dược TP.HCM.
Nào ai ngờ, chỉ vài tháng sau Đức Minh qua đời đột ngột sau ca mổ tim thất bại. Tâm nguyện của anh chàng được thực hiện sau đó ít lâu. Ngày 31/7/1996, thi thể Đức Minh được đưa về Đại học Y dược TP.HCM. Anh trở thành người đầu tiên hiến xác ở Việt Nam.
Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của Đức Minh, người dân tứ xứ đã đến xin viếng thi hài anh chàng, gửi thư tri ân Minh. Đồng thời số lượng đơn đăng ký hiến tạng bỗng nhiều lên đáng kể.
20 năm sau, nói về trường hợp của Nguyễn Đức Minh, thầy Nguyễn Gia Ninh thuộc bộ môn Giải phẫu học Đại học Y dược TP.HCM vẫn nhớ như in. Ông cho biết, Minh là trường hợp đầu tiên hiến xác cho y học, nhưng lá đơn đăng ký đầu tiên là của một cụ ông ngoài 70 tuổi. Cụ ông nộp đơn vào năm 1994. Ông là một họa sĩ khắc đồng sinh sống tại TP.HCM, từng tham gia 2 cuộc kháng chiến của dân tộc.
Hiện nay, số lượng người đăng ký hiến xác đã tăng lên đáng kể. Trước đó, nguồn xác để nghiên cứu chủ yếu đến từ những trường hợp tử vong không ai thừa nhận ở bệnh viện, không có thân nhân mang về sau một thời gian lưu viện.
Sinh viên trường y vẫn thường gọi những thi thể mình được tiếp xúc trong thời gian học giải phẫu là “người thầy thầm lặng”. Thông thường, sau 2 – 3 năm sử dụng, xác người hiến sẽ được đưa đi hỏa táng rồi đưa về cho gia đình theo ý nguyện thân nhân của họ.