Thế giới

Tiết lộ ‘món quà đặc biệt’ cuối cùng Tổng thống Joe Biden gửi cho Ukraine, giá trị cực khủng

Tiết lộ ‘món quà đặc biệt’ cuối cùng Tổng thống Joe Biden gửi cho Ukraine, giá trị cực khủng

Trong vài ngày tới, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố ‘món quà’ giá trị khủng khoảng 1,2 tỷ đến Ukraine. Đây được cho là một trong những nỗ lực cuối cùng của ông Biden để hỗ trợ cho xung đột Ukraine với Nga.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa thông báo gói viện trợ mới cho Ukraine trong khuôn khổ Sáng kiến Trợ giúp An ninh Ukraine (USAI), sử dụng nguồn ngân sách còn lại để mua vũ khí. Gói viện trợ này dự kiến bao gồm các hệ thống tên lửa đánh chặn và đạn pháo, với nội dung chi tiết sẽ được công bố trong vài ngày tới.

Theo chương trình USAI, các thiết bị quân sự sẽ được mua từ ngành công nghiệp quốc phòng hoặc từ đối tác, thay vì lấy từ kho dự trữ của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, trước khi số vũ khí này được triển khai ra chiến trường.

Gói viện trợ này có thể là một trong những động thái cuối cùng của Mỹ nhằm hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

ukraine-1
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ đã cam kết viện trợ tổng cộng 175 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có 61,4 tỷ USD được dành riêng cho hỗ trợ an ninh.

Khoảng một nửa số tiền hỗ trợ an ninh này đến từ chương trình Sáng kiến Trợ giúp An ninh Ukraine (USAI), trong khi phần còn lại được trích từ kho dự trữ quân sự thông qua quyền hành pháp của tổng thống. Hiện vẫn còn khoảng 5,6 tỷ USD trong số này chưa được giải ngân.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin trên, nhấn mạnh rằng họ không thảo luận về các gói hỗ trợ an ninh trước khi có công bố chính thức.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump từng công khai chỉ trích việc viện trợ quân sự này. Ông tuyên bố sẽ giúp chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Ngoài ra, ông nhiều lần nhấn mạnh rằng các quốc gia đồng minh châu Âu nên gánh vác trách nhiệm tài chính lớn hơn trong cuộc xung đột này, đồng thời đặt nghi vấn về mức độ can dự của Mỹ vào vấn đề tại Ukraine.

Trong một tuyên bố gần đây tại câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, vào ngày 16/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cập đến cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ông cam kết sẽ thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để tìm giải pháp kết thúc căng thẳng, đồng thời bày tỏ lo ngại về những hậu quả nghiêm trọng từ cuộc chiến này.

ukraine-2
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

Ở phía Ukraine, ngày 19/12, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ trong việc mang lại hòa bình cho Ukraine.

“Từ đầu năm tới, chúng tôi cần Mỹ, EU và các nước châu Âu đạt được sự đồng thuận sâu sắc… để đạt được hòa bình”, ông Zelensky nói trong Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels (Bỉ).

Ngoài ra, ông cũng chia sẻ rằng chương trình nghị sự trong chuyến thăm châu Âu lần này của mình tập trung vào ba mục tiêu chính: bảo vệ ngành năng lượng Ukraine, tăng cường sản lượng vũ khí, và hỗ trợ khẩn cấp cho hệ thống giáo dục của quốc gia Đông Âu này.

Theo Reuters, Kiev Independent