Thế giới

Ông Donald Trump báo tin không vui cho Ukraine, tiết lộ có thể làm 1 việc sau khi nhậm chức

Ông Donald Trump báo tin không vui cho Ukraine, tiết lộ có thể làm 1 việc sau khi nhậm chức

Trong chia sẻ mới đây, ông Donald Trump thẳng thắn đề cập đến vấn đề Nga – Ukraine. Đặc biệt, vị Tổng thống đắc cử Mỹ còn nói về chuyện Ukraine được dùng vũ khí viện trợ tấn công sâu vào Nga.

Trong cuộc họp báo ở tư dinh Mar-a-Lago hôm 16/12 (theo giờ địa phương), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây chú ý khi chia sẻ: “Tôi nghĩ họ không nên cho phép Ukraine bắn tên lửa hàng trăm km vào lãnh thổ Nga. Đó là một điều tồi tệ xảy ra chỉ vài tuần trước khi tôi nhậm chức”.

Ông Trump nói thêm, chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Bide đã không tham vấn mình trước khi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ viện trợ để tấn công sâu vào nước Nga. Ông Trump tỏ ra không vui: “Tại sao họ làm vậy mà không hỏi tôi nghĩ gì? Tôi sẽ không để họ làm điều đó. Tôi nghĩ đây là một sai lầm lớn mà họ đã mắc phải”.

Đặc biệt, Tổng thống đắc cử Mỹ nhấn mạnh rằng ông có thể vô hiệu hóa quyết định này sau khi nhậm chức vào tháng tới.

nga-ukraine-1
Một tổ hợp tên lửa ATACMS của Mỹ. Ảnh: AFP

Hồi tháng trước, Tổng thống Joe Biden bất ngờ đồng ý cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ viện trợ để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Ngay sau đó, Kiev đã thực hiện các vụ tấn công ATACMS vào lãnh thổ Nga. Để đáp trả, phía Moscow đã thực hiện các cuộc không kích quy mô lớn.

Các chuyên gia nhận định, việc ông Joe Biden dỡ bỏ hạn chế vũ khí cho Ukraine là quá muộn màng. Ukraine đã chịu áp lực lớn, trong khi Nga thì vẫn tiếp tục duy trì sức mạnh quân sự đáng kể.

Trong khi đó, ông Trump từ lâu đã phản đối việc Mỹ can dự sâu vào các cuộc xung đột quốc tế. Nếu ông trở lại nắm quyền, khả năng điều chỉnh chiến lược của Mỹ đối với Ukraine có thể sẽ là một trong những bước đi đầu tiên, phản ánh cam kết của ông trong việc giảm bớt sự can thiệp quân sự ở nước ngoài. Sự thay đổi chính sách tiềm tàng này có thể dẫn đến một cách tiếp cận khác biệt đáng kể, làm thay đổi vai trò của Washington trong cuộc xung đột Nga - Ukraine đang ngày càng căng thẳng.

Dù vậy, cả hai chiến lược, dù là tiếp tục tăng cường viện trợ hay rút lui khỏi xung đột, đều để lại nhiều tranh cãi về hiệu quả và hậu quả dài hạn đối với hòa bình khu vực và lợi ích chiến lược của Mỹ.

nga-ukraine-2
Lực lượng Nga khai hỏa vào vị trí của quân Ukraine ở tỉnh Kursk trong bức ảnh lấy từ video Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 13/11. Ảnh: AP

Theo New York Times, nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ông sẽ không đưa ra các đảm bảo an ninh cho Ukraine như chính quyền hiện tại. Thay vào đó, ông Trump dự kiến chuyển gánh nặng hỗ trợ tài chính và quân sự sang các nước châu Âu, giảm vai trò của Mỹ nhằm giảm áp lực lên ngân sách quốc gia và hạn chế sự can dự vào các cuộc chiến. Động thái này được dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh đến cục diện chiến sự Nga - Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh Ukraine phụ thuộc lớn vào viện trợ từ phương Tây.

Ukraine đang chuẩn bị tinh thần cho kịch bản cả Mỹ và châu Âu cắt giảm viện trợ vào năm tới. Trước viễn cảnh này, Kiev đã đẩy mạnh sản xuất vũ khí trong nước, tập trung vào các hệ thống có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, với trọng tâm là chương trình phát triển máy bay không người lái (UAV) tấn công tầm xa. UAV được coi là giải pháp ngắn hạn hiệu quả nhờ chi phí thấp và thời gian sản xuất nhanh chóng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định UAV chỉ là bước đi ban đầu và không đủ để giúp Ukraine duy trì lợi thế chiến lược trên chiến trường. Trong dài hạn, Kiev cần hướng đến việc tự chủ sản xuất các hệ thống tên lửa hiện đại để đối phó với áp lực quân sự từ Nga và bù đắp sự sụt giảm nguồn viện trợ từ phương Tây.