Nga bất ngờ tiết lộ 3 điều kiện then chốt để chấm dứt xung đột Ukraine, không chỉ có vấn đề quân sự
Trong tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Nga – Sergey Lavrov tiết lộ ba điều kiện quan trọng để chấm dứt xung đột Ukraine.
Hãng thông tấn TASS đưa tin, ngày 6/12 (theo giờ địa phương), Ngoại trưởng Nga – ông Sergey Lavrov đã có cuộc phỏng vấn với nhà báo Tucker Carlson. Tại đây ông Lavrov đã liệt kê các điều kiện Nga đặt ra để chấm dứt xung đột tại Ukraine. Những điều kiện này không chỉ liên quan đến quân sự mà còn gồm cả vấn đề về văn hóa, ngôn ngữ.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, 3 điều kiện bao gồm: Ukraine phải từ bỏ hoàn toàn kế hoạch gia nhập NATO; đóng cửa tất cả các căn cứ quân sự của phương Tây trên lãnh thổ Ukraine; hủy bỏ mọi cuộc tập trận có sự tham gia của quân đội nước ngoài.
Ông Lavrov lưu ý, những điều kiện trên đều đã từng được Tổng thống Nga – Vladimir Putin nêu ra từ tháng 4/2022.
Ngoài ra, còn một điểm quan trọng khác mà ông Lavrov nhắc đến là việc Ukraine “cấm tiếng Nga, phương tiện truyền thông Nga, văn hóa Nga và Giáo hội Chính thống giáo Ukraine”. Theo Ngoại trưởng Nga, đây là việc làm vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc. Ông cũng cho rằng phương Tây đã im lặng trước hành động này từ năm 2017.
Bên cạnh đó, phía Nga còn muốn Ukraine rút quân khỏi Donbass và Novorossiya; cam kết không liên kết và phi hạt nhân; dỡ bỏ những lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, Ukraine đã kiên quyết bác bỏ kế hoạch chấm dứt xung đột này của Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov vừa qua cũng cho biết, hiện không có cơ sở nào cho các cuộc đàm phán với Ukraine. Ông Peskov tiết lộ nhiều quốc gia đã đề nghị làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa hai bên, trong đó có Qatar. Nga đánh giá cao thiện chí của phía Doha, nhưng lập trường của Moscow và Kiev vẫn đang hoàn toàn đối lập.
Theo tờ Izvestia, các chuyên gia nói với họ rằng việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ có thể khiến lập trường của Ukraine về chấm dứt xung đột trở nên linh hoạt hơn.
Tháng 5 năm nay, một số quốc gia đã đề xuất các kế hoạch hòa bình, nổi bật là sáng kiến của Trung Quốc và Brazil. Tổng biên tập tạp chí Diplomatic Service và là Giáo sư tại Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga – ông Vladimir Vinokurov cho biết, đề xuất của hai nước này có cơ hội thành công lớn nhất vì tập trung vào nội dung cụ thể chứ không phải địa điểm cụ thể.
Chuyên gia Andrey Kortunov ở CLB Valdai và Giám đốc Khoa học của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) có nhận xét gây chú ý rằng: “Khi tình hình thay đổi, thật không may cho Ukraine, ý tưởng quay trở lại đường biên giới năm 1991 đang mất dần tính liên quan”.
Theo TASS/Izvestia