Mỹ lên tiếng chuyện bàn giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine trước khi ông Donald Trump nhậm chức
Thông tin Mỹ trả vũ khí hạt nhân cho Ukraine trước khi ông Joe Biden rời nhiệm sở để nhường chỗ cho ông Donald Trump đang gây chú ý. Phía Washington nói gì về chuyện này?
New York Times tiết lộ trong một bài viết từ tháng trước rằng một số quan chức phương Tây giấu tên cho biết Tổng thống Mỹ - ông Joe Biden có thể cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine trước khi rời nhiệm sở.
Nhưng ngày 1/12, Reuters đưa tin, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - ông Jake Sullivan cho biết Washington sẽ không cân nhắc việc trả lại vũ khí hạt nhân mà Ukraine đã từ bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Ông Sullivan nói: “Điều đó không được cân nhắc. Những gì chúng tôi đang làm là tăng cường các năng lực thông thường khác nhau đến Ukraine để họ có thể tự vệ hiệu quả và chiến đấu với Nga, chứ không phải [trao cho họ] năng lực hạt nhân”.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: REUTERS
Về phần mình, Nga cho rằng ý tưởng trên là “hoàn toàn điên rồ”. Vì vậy Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine cũng là để ngăn chặn một kịch bản như thế diễn ra.
Cũng theo Reuters, Ukraine thừa hưởng vũ khí hạt nhân từ Liên Xô sau năm 1991. Đến năm 1994, họ từ bỏ vũ khí hạt nhân theo một thỏa thuận, gọi là Bản ghi nhớ Budapest, để đổi lại sự đảm bảo an ninh từ Nga, Mỹ và Anh.
Trong bản ghi nhớ Budapest nêu rõ cam kết quan trọng nhất của ba nước là “tái khẳng định nghĩa vụ của họ để kiềm chế bất cứ mối đe dọa hoặc động thái sử dụng chống lại toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine”. Ngoài ra, họ còn cam kết “kiềm chế hành động áp bức kinh tế” với Ukraine và “tìm kiếm hành động lập tức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để hỗ trợ cho Ukraine” nếu có “hành động tấn công” vào nước này.
Sau khi ký Bản ghi nhớ Budapest, Ukraine đã đáp ứng các nghĩa vụ bawfngh cách chuyển giao kho vũ khí lớn thứ ba thế giới. Trước đây Mỹ từng cung cấp hơn 300 triệu đô la và hỗ trợ quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân ở Ukraine.