Hé lộ kế hoạch chấm dứt xung đột của ông Donald Trump: Không vui cho Ukraine, Nga được lợi gì?
Dựa trên những nguồn tin thân cận với ông Donald Trump, Reuters đã phân tích và chỉ ra kế hoạch giải quyết xung đột Ukraine – Nga.
Hồi tháng 11 vừa qua, sau khi đắc cử, ông Donald Trump đã liên tục cam kết sẽ chấm dứt xung đột Nga – Ukraine trong vòng 24 giờ từ khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025, thậm chí là sớm hơn. Nhưng từ đó đến nay, ông Trump chưa có động thái rõ rệt nào, cũng không công bố kế hoạch chi tiết hơn. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 năm.
Ông Trump từng cam kết sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraine kéo dài ba năm qua trong vòng 24 giờ khi ông trở thành tổng thống. Ảnh: REUTERS
Mới đây, hãng tin Reuters đã phỏng vấn một số thân tín của ông Donald Trump và có được một số manh mối về kế hoạch hòa bình của vị tổng thống đắc cử này. Điều đáng nói là tất cả các kế hoạch được đưa ra đều ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần, đồng thời buộc họ nhượng lại một phần lớn lãnh thổ cho Nga.
Trích lời nguồn tin thân cận trong nhóm quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ, Reuters cho biết: “Ukraine sẽ phải nhượng lại một phần đất đai của mình cho Nga theo một kế hoạch giải quyết mà chính quyền của ông Trump có thể sẽ sớm đề xuất”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Tháp Trump ở New York hồi tháng 9/2024. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, 3 cố vấn chủ chốt gồm đặc phái viên Nga – Ukraine sắp tới của ông Trump, cựu tướng Keith Kellogg đều đưa ra nhận định chung là loại bỏ xem xét tư cách thành viên NATO của Ukraine ra khỏi bàn đàm phán.
Một số nét chính trong kế hoạch hòa bình mà ông Donald Trump lập nên cho Ukraine là: Họ sẽ dùng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” để cố gắng đưa Moscow và Kiev vào bàn đàm phán.
Cụ thể là, Mỹ dừng viện trợ cho Ukraine trừ khi Tổng thống Zelensky đồng ý đàm phán. Cùng với đó, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ cho Kiev nếu Tổng thống Putin từ chối đàm phán.
Ông Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Helsinki, Phần Lan năm 2018. Ảnh: Bloomberg
Nhưng theo ông Eugene Rumer, cựu chuyên gia phân tích tình báo hàng đầu của Mỹ về Nga thì thời điểm này Tổng thống Putin không vội vàng ngồi vào bàn đàm phán. Chủ nhân Điện Kremlin chưa sẵn sàng từ bỏ các điều kiện của mình để đạt được thỏa thuận ngừng bắn và đàm phán. Trong đó, các điều kiện gồm: Ukraine từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO, rút quân khỏi 4 khu vực thuộc Ukraine mà Nga đã đơn phương sáp nhập nhưng chưa kiểm soát hoàn toàn. Trước đó, Kiev đã bác bỏ hết những điều này.