Đợt rét kỷ lục của Việt Nam: Hà Nội, Nghệ An có tuyết rơi, nhiều tỉnh thành xuống mức âm độ
Trong vòng gần nửa thế kỷ qua, đây là năm Việt Nam rét nhất. Các tài liệu ghi nhận có thời điểm nhiều tỉnh thành nước ta còn xuống mức âm 4 đến âm 5 độ C. Đến cả khu vực Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa còn xuất hiện tuyết rơi.
Theo ghi nhận, đợt rét hại, rét đậm kéo dài từ ngày 22 đến ngày 27/1/2016 là đợt rét nhất kể từ năm 1976 đến nay ở nước ta. Ngày 24/1/2016, nhiệt độ ghi nhận tại trạm khí tượng Sa Pa (Lào Cai) chỉ là âm 4 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là âm 5 độ C.
Đặc biệt, năm đó, lần đầu tiên đỉnh Ba Vì (Hà Nội) có hiện tượng tuyết rơi kéo dài. Nhiều vùng cao tại huyện Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa); Tương Dương, Quế Phong (Nghệ An) cũng xuất hiện tình trạng tuyết phủ trắng xóa.
Một số tỉnh thành chính thức xác nhận kỷ lục mới như Tam Đảo (Vĩnh Phúc) âm 1 độ C (năm 1964 là 0 độ C), Ninh Bình 5 độ C (năm 1974 là 6 độ C), ...
Trước đó, năm 2008 và 2011 nước ta cũng xuất hiện rét đậm, rét hại kéo dài. Năm 2008, miền Bắc chìm trong giá buốt suốt 38 ngày. Thời điểm đó, đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) nhiệt độ chỉ ở mức âm 3 độ C. Trong khi đó, đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có nhiệt độ âm 3,2 độ C.
Tuy không phải nóc nhà Việt Nam nhưng đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) luôn là nơi lạnh nhất nước ta. Nhiệt độ nơi đây khắc nghiệt hơn những nơi khác. Nguyên nhân được cho là vì cấu tạo địa hình của nơi này có nhiều dãy núi hình cánh cung, mở ra ở phía Bắc, chụm đầu về phía Tam Đảo. Núi Mẫu Sơn vì vậy trở thành cửa ngõ đón gió mùa ở Việt Nam. Gió thổi trên đỉnh Mẫu Sơn có thể đạt cấp 5, cấp 6, giật cấp 10 (ngang với cấp gió áp thấp nhiệt đới và bão). Vì có gió lạnh, mây mù quanh năm nên đỉnh Mẫu Sơn thường xuyên xảy ra hiện tượng mất nhiệt, rét buốt.