Bước đi ít ai nghĩ đến của Nga khiến Mỹ choáng váng, cố gắng đẩy xung đột Ukraine leo thang
Nhận định về bước đi này của Nga, chuyên gia kinh tế Mỹ - Giáo sư Richard Wolf cho rằng ý nghĩa của nó tương tự như sự kiện phóng vệ tinh đầu tiên của Liên Xô lên quỹ đạo.
Trên kênh YouTube Dialogue Works, Giáo sư Richard Wolf nhận định rằng hành động phóng tên lửa Oreshnik khiến phương Tây vô cùng bất ngờ. Ông nói: “Hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra. Chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của một công nghệ tiên tiến, một loại tên lửa hoàn toàn mới của Nga. Phương Tây ngạc nhiên đến choáng váng. Nhưng tại sao? Nguyên nhân ở đâu? Các quan sát viên phương Tây đã so sánh với năm 1957, khi Nga là nước đầu tiên phóng vệ tinh vào quỹ đạo, và ở phương Tây tất cả đều kinh ngạc”.
Oreshnik, có nghĩa là "cây phỉ" trong tiếng Nga. Ảnh ET
Ông Richard Wolf nói thêm, sau sự tan rã của Đế chế Anh và Thế chiến I, Thế chiến II, người Mỹ tin rằng Mỹ vĩnh viễn là “trung tâm của vũ trụ”. Nhưng sau khi Oreshnik cho thấy khả năng ngoài sức tưởng tượng, họ bắt đầu lo lắng, sợ hãi. Điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin vào công nghệ quân sự của Mỹ. Giáo sư Wolf kết luận, Mỹ từ đó quyết định đẩy leo thang tình hình ở Ukraine.
Trước đó, hôm 19/11, Tổng thống Putin tuyên bố Ukraine đã tấn công khu vực Kursk và Bryansk bằng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và tên lửa tầm xa Storm Shadow do Anh sản xuất. Để trả đũa chuyện này, ngày 21/11, Nga tiến hành cuộc tấn công kết hợp giáng vào các chủ thể thuộc tổ hợp công nghiệp quân sự của Ukraine – khu liên hợp công nghiệp lớn chuyên sản xuất tên lửa và vũ khí ở Dnepropetrovsk.
Oreshnik là loại tên lửa đạn đạo siêu thanh không mang đầu đạn hạt nhân, được ông Putin tiết lộ có thể bay với tốc độ lên đến Mach 10 (khoảng 12.200 km/giờ), tức gấp 10 lần tốc độ âm thanh. Nó rất khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.