Đời sống

Từ vụ 11 học sinh ăn 2 gói mì chan cơm, cắt xén bữa ăn của học sinh có thể nhận án hình sự cực nặng

Từ vụ 11 học sinh ăn 2 gói mì chan cơm, cắt xén bữa ăn của học sinh có thể nhận án hình sự cực nặng

Dư luận thời gian này bàn luận nhiều về vụ việc học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Hoàng Thu Phố 1. Nhiều người cho rằng vụ việc này có dấu hiệu của cắt xén suất ăn. Hiện tại cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình điều tra. Nếu thật sự vụ việc này có sự vi phạm, hình thức xử lý sẽ như thế nào?

hoang-thu-pho-1-5
Giờ ăn của học sinh Hoàng Thu Phố 1 sau khi vụ việc được điều tra. Ảnh: Người Đưa Tin

Chia sẻ quan điểm về việc này với báo Lao Động, luật sư Nguyễn Phó Dũng – Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, người phải chịu trách nhiệm đầu tiên khi phát hiện tình trạng cắt xén suất săn của học sinh là hiệu trưởng và ban giám hiệu trường, sau đó là các cán bộ, bộ phận nhà bếp…

Nếu có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cán bộ, lãnh đạo, những người liên quan sẽ bị xác minh xem có biển thủ, chiếm đoạt tiền ăn của học sinh vì tư lợi cá nhân hay không. Từ đó, cần nhanh chuyển vụ việc đến cơ quan công an để xem xét, giải quyết.

Không chỉ vậy, cần xác định rõ trách nhiệm ai là người hưởng lợi từ số tiền chiếm đoạt, chiếm đoạt bao nhiêu rồi xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Từ đó mới xác định được sai phạm có tổ chức hay không.

Luật Phó Dũng còn nói thêm, cắt xén bữa ăn là một hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Hành vi này có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản. Vì vậy, nếu có căn cứ, người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thì có thể sẽ bị xử lý hình sự.

hoang-thu-pho-1-4
Một bữa ăn của học sinh Hoàng Thu Phố 1 sau khi sự việc được báo chí, cơ quan chức năng vào cuộc. Ảnh: Người Đưa Tin

Điều 360 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thì hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù thấp nhất là 6 tháng – cao nhất là 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Nếu có căn cứ cho rằng chủ thể vi phạm có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý thì có thể sẽ xử lý hình sự.

Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội tham ô tài sản thì người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng đến 500 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội theo quy định (trong BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017) mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mức phạt tù thấp nhất là 2 năm - cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

CĐM nghẹn ngào trước hình ảnh mới nhất của học sinh trường Hoàng Thu Phố 1 sau vụ 11 em ăn 2 gói mì chan cơm

Sau khi vụ việc xảy ra được báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc, học sinh trường Hoàng Thu Phố 1 đã có những bữa ăn chất lượng hơn. Phản ứng của CĐM trước hình ảnh này như thế nào?