Từ ngày 1/1/2020, Nghị định 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, người tham gia giao thông đường bộ, đường sắt nếu sử dụng rượu bia sẽ bị xử phạt hành chính. Cơ quan CSGT của nhiều tỉnh thành đã ra quân thực hiện Nghị định trên, rất nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý. Nhiều tài xế có nồng độ cồn cao phải nhận mức phạt cao ngất ngưởng, thu giữ giấy phép lái xe.
Người dân đa số đồng tình với chính sách này. Nhiều ý kiến cho rằng nó sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông. Một số thắc mắc cũng xuất hiện, trong đó nhiều nhất vẫn là nếu có nồng độ cồn trong hơi thở sau khi sử dụng các loại trái cây, thuốc ho có bị phạt hay không?
Nói về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, nếu ở trong tình huống trên, người điều khiển phương tiện có thể trình bày với CSGT. Thực tế thì nồng độ cồn do dùng trái cây, thuốc ho để lại rất nhỏ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khi xử phạt còn căn cứ vào các biểu hiện của đối phương như tâm lý, hành vi, cử chỉ, sắc mặt, hơi thở… Nếu nồng độ cồn chưa rõ, người điều khiển phương tiện có thể yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu để có kết quả chính xác hơn. Người dân không nên lo lắng quá về vấn đề này.
Cùng với đó, nhiều người nghĩ ra một cách “lách luật”. Sau khi sử dụng rượu bia, họ sẽ dắt bộ xe đi qua các chốt của CSGT. Đây có thể coi là một hành vi đối phó, nhằm thoát khỏi án phạt. Bởi theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 thì chỉ có thể xử phạt người đang điều khiển phương tiện và dắt bộ xe không phải tham gia giao thông. Vì thế, để có thể xử phạt, CSGT cần chứng minh rằng lái xe đã vi phạm trước đó trong tình trạng điều khiển xe. Nếu người vi phạm không thừa nhận, CSGT cần chứng minh bằng camera, hình ảnh, nhân chứng…
Dương tính với nồng độ cồn do ăn trái cây, uống thuốc ho có bị phạt khi tham gia giao thông?
(Techz.vn) – Uống nước hoa quả lên men, socola hay các loại siro, cảm cúm cũng có thể khiến người dùng dương tính với nồng độ cồn.