Đời sống

Vị vua nhân từ bậc nhất sử Việt, giúp đất nước phát triển cực thịnh, được phương Bắc nể trọng

Vị vua nhân từ bậc nhất sử Việt, giúp đất nước phát triển cực thịnh, được phương Bắc nể trọng

Vị vua này được mệnh danh là một trong những vị vua nhân từ và tài giỏi nhất của Việt Nam. Dưới thời ông cai trị, đất nước ta phát triển cực thịnh, vị thế được nâng tầm rõ rệt.

Trong lịch sử Việt Nam, khi nhắc đến cụm từ “trăm năm thịnh thế” người ta sẽ nhớ ngay đến triều đại nhà Lý. Năm xưa nhà Lý có ba vị vua anh minh lỗi lạc nối tiếp nhau, đó là Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Anh Tông. Dưới sự trị vì của ba vị vua này, đất nước Đại Việt đã bước vào thời kỳ "trăm năm thịnh thế", một giai đoạn thịnh vượng và hùng mạnh trong lịch sử dân tộc. Chính nhờ sự lãnh đạo tài ba của họ, Đại Việt không chỉ củng cố sức mạnh nội tại mà còn khẳng định vị thế của mình trong khu vực, đặt nền móng cho một quốc gia phát triển và bền vững.

Cái tên Lý Thánh Tông – vị vua thứ ba của triều đại nhà Lý hẳn sẽ được nhớ đến nhiều nhất. Ông được xem là một trong những vị vua lỗi lạc và nhân từ nhất trong lịch sử nước ta.

ly-thanh-tong-1

Lý Thánh Tông (1023 – 1072), con của vua Lý Thái Tông và Linh Cảm Hoàng hậu, nổi bật với trí thông minh vượt trội ngay từ thuở nhỏ. Không chỉ xuất sắc trong văn chương, ông còn là một bậc thầy về võ nghệ và chiến lược, chứng tỏ tài năng toàn diện trong cả văn lẫn võ.

Khi còn là thái tử, Lý Thánh Tông đã được vua cha sắp xếp cho sống tại cung Long Đức, nơi ông có cơ hội tiếp cận và thấu hiểu cuộc sống thường ngày của nhân dân. Nhờ vậy, ông sớm nuôi dưỡng lòng thương dân và cảm thông sâu sắc với những khó khăn, vất vả mà họ phải đối mặt. Tính nhân hậu và vị tha trong ông ngày càng được hun đúc. Khi lên ngôi, Lý Thánh Tông trở thành một minh quân nổi bật với những chính sách cai trị khoan dung, luôn lấy sự an sinh và hạnh phúc của dân chúng làm trọng tâm.

ly-thanh-tong-2

Năm 1054, sau khi lên ngôi, Lý Thánh Tông đã quyết định đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt, một quyết định mang tính lịch sử. Tên gọi này đã được giữ nguyên suốt 346 năm, ghi dấu ấn của triều đại và quốc gia trong suốt thời kỳ dài sau đó.

Theo Đại Việt Sử Lược, sau khi nhận ngôi, Lý Thánh Tông đã ra lệnh đốt bỏ tất cả các công cụ tra tấn, hành hình, thể hiện sự nhân từ và quyết tâm cải cách pháp luật. Ông cũng tăng lương bổng cho các quan tư pháp và cai ngục, nhằm thanh lọc bộ máy thực thi pháp luật, đảm bảo rằng người dân sẽ được xét xử công bằng hơn.

Vào mùa đông năm 1055, vua Lý Thánh Tông truyền lệnh phát chăn chiếu cho tù nhân, cung cấp hai bữa cơm mỗi ngày cho họ. Ngoài ra, ông cũng ra sắc lệnh giảm thuế cho dân chúng trong năm ấy, thể hiện lòng nhân ái và sự quan tâm đến đời sống của người dân.

Những chính sách này khiến người dân vô cùng kính trọng và biết ơn ông. Để đáp lại ân huệ của vua, họ cùng nhau sống lương thiện, giữ gìn đạo đức, với mong muốn làm vui lòng vị minh quân nhân từ của mình.

ly-thanh-tong-3

Tuy nhân từ nhưng vua Lý Thánh Tông vẫn là một vị tướng dũng mãnh, đầy cương nghị trên chiến trường. Năm 1069, Chiêm Thành liên tục quấy nhiễu nước ta. Vua Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt thảo phạt Chiêm Thành, triệt phá kinh đô Trà Bàn, bắt sống vua Chế Củ. Sau lần đó, Chế Củ đã dâng 3 châu là Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị ngày nay) để được về nước.

Vị thế Đại Việt dưới thời vua Lý Thánh Tông được nâng tầm rõ rệt, khiến Chiêm Thành kính sợ, thần phục, ngay cả phương Bắc cũng phải dè dặt khi nhắc đến.

ly-thanh-tong-4

Dưới thời vua Lý Thánh Tông, việc học được coi trọng và đặt lên hàng đầu. Vị vua này chính là người đx cho dựng Văn Miếu vào năm 1070. Đây là nơi các Hoàng Thái tử, hoàng thất học tập. 6 năm sau, Quốc Tử Giám được thành lập, trở thành ngôi trường đại học đầu tiên của nước ta, đào tạo ra vô số nhân tài cho dân tộc.