Đời sống

Tên ông Nguyễn Bá Thanh được cử tri đề xuất đặt tên đường, phía Đà Nẵng phản hồi như thế nào?

Tên ông Nguyễn Bá Thanh được cử tri đề xuất đặt tên đường, phía Đà Nẵng phản hồi như thế nào?

Ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng được cử tri đề xuất đưa tên vào quỹ tên đường của thành phố. Trước thông tin này, Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Đà Nẵng nói gì?

Mới đây, Dân Trí đưa tin, ngày 4/10, Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Đà Nẵng đã phản hồi ý kiến cử tri về nghiên cứu đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh – cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng để tưởng nhớ, ghi nhận đóng góp của ông cho sự phát triển của thành phố.

nguyen-ba-thanh-1
Ông Nguyễn Bá Thanh tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2014. Ảnh: Nguyễn Khánh

Trước đó, đơn vị này đã đề xuất Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng thành phố Đà Nẵng đưa tên ông Nguyễn Bá Thanh vào quỹ tên đường của thành phố để xem xét. Trước vấn đề này, Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho biết sẽ lấy ý kiến từ các cơ quan, đoàn thể liên quan trước khi đề xuất hội đồng tư vấn đưa vào dự thảo đề án, trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.

Được biết, trong một số chương trình tiếp xúc cử tri ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), cử tri đã đề xuất việc  đặt tên đường theo tên cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – Nguyễn Bá Thanh. Cử tri cho rằng nên đặt tên ông ở khu vực xã Hòa Tiến (quê và cũng là nơi ông Nguyễn Bá Thanh đang yên nghỉ), hoặc khu vực trung tâm hành chính huyện Hòa Vang.

nguyen-ba-thanh-2
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thăm bệnh nhân Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Ảnh: Báo Tiền Phong

Ông Nguyễn Bá Thanh (1953 – 2015) là người lãnh đạo mẫu mực, rất được người dân Đà Nẵng tin yêu khi còn sống. Ông từng giữ chức Chủ tịch UBND, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

nguyen-ba-thanh-3
Ông Nguyễn Bá Thanh đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên

Khi còn đương nhiệm, ông Nguyễn Bá Thanh đã có nhiều quyết định góp phần thay đổi diện mạo thành phố này, đồng thời đưa ra các chính sách an sinh xã hội tồn tại đến tận ngày nay. Trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến “5 không 3 có” (5 không gồm: không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không giết người cướp của; 3 có gồm: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị).