Khám phá mới

Địa danh duy nhất của Hà Nội được đề xuất đặt làm tên bão, là nơi thờ vị thần đứng đầu Tứ bất tử

Có 10 tên gọi do Việt Nam đặt được đề xuất để đặt cho các cơn bão. Trong đó, có 1 cái tên lấy từ địa danh nổi tiếng của Thủ đô. Nơi đây được xem như núi Tổ, nơi thờ vị thần đứng đầu Tứ bất tử.

Hầu hết các cơn bão ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, biển Đông đều được đặt tên theo địa danh, thực vật hoặc động vật. Mới đây, cơn bão số 6 với cái tên rất đẹp “Trà Mi” gây chú ý với dư luận trong nước và quốc tế. Trà Mi vốn là một loài hoa phổ biến ở Việt Nam, cũng là tên của một huyện ở tỉnh Quảng Nam.

Bạn có biết, có một danh sách gồm 140 cái tên do 14 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là thành viên Uỷ ban bão của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đề xuất.

Trong số đó 10 tên gọi do Việt Nam đề xuất, bao gồm: SonTinh (Sơn Tinh), Co-May (Cỏ May), Bavi (Ba Vì), Luc-Binh (Lục Bình), Sonca (Sơn Ca), Trami (Trà Mi), Halong (Hạ Long), Bang-Lang (Bằng lăng), Songda (Sông Đà), Saola (Sao La). Bavi là cái tên đặt theo địa danh duy nhất ở Hà Nội. Năm 2020, cơn bão số 8 của Trung Quốc đã mang tên Bavi.

bavi-jpeg-8832-1729997217
Hình ảnh bão Bavi. Ảnh: NASA

Núi Ba Vì đã quá thân thuộc với người dân Việt Nam. Ngọn núi này gắn liền với nhiều truyền thuyết, mang nặng yếu tố tâm linh. Năm xưa Nguyễn Trãi viết về núi Ba Vì trong cuốn “Dư địa chí” như sau: “Núi Tản Viên ấy là núi Chủ (Tổ) của nước Nam ta đó”.

Ba Vì rộng khoảng 5.000 ha, trong đó 3.500 ha thuộc địa phận Hà Nội, 1.500 ha thuộc về Hòa Bình. Một số đỉnh núi của dãy Ba Vì có độ cao trên 1.000 m. Trong đó, đỉnh cao nhất là đỉnh Vua với 1.296 m so với mặt nước biển. Đây là nơi dựng đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và toà bảo tháp 13 tầng. Kế đến là đỉnh Tản Viên với độ cao 1.227 m.

nui-ba-vi-7
Ba Vì là nơi đang thờ Đức Thánh Tản Viên. Ảnh: Internet
nui-ba-vi-1
Núi Ba Vì có ý nghĩa phong thủy đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Ảnh: Internet

Nói đến núi Ba Vì là nói đến truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Đây là nơi ở của Sơn Tinh năm xưa. Những di tích như bãi Đá Chông, dãy Gò Choi, núi Đá Chèm, tre Ngòi Lạt được cho là có từ thời Sơn Tinh giao tranh với Thủy Tinh. Sơn Tinh chính là Đức Thánh Tản Viên, người đứng đầu trong Tứ bất tử của Việt Nam (3 người còn lại là Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh).