Mặt hàng này của Việt Nam bất ngờ đắt hàng kỷ lục tại Nga: Xuất khẩu tăng 1000% trong tháng 6
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tình hình xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga trong nửa năm đầu 2023 giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ mang về 812 triệu USD.
Tuy nhiên, điểm sáng đáng chú ý trong khi kim ngạch xuất khẩu sụt giảm nhẹ là nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng tốt sang thị trường này. Tiêu biểu nhất phải kể đến các sản phẩm từ cao su.
Cụ thể, xuất khẩu sản phẩm từ cao su sang Nga so với cùng kỳ tháng 06/2022 đã đạt kim ngạch hơn 300.000 USD, tăng đột biến lên đến 1.096%. Cũng theo số liệu thống kê, xuất khẩu các sản phẩm từ cao su sang thị trường này tính đến hết tháng 6/2023 đã mang về hơn 5,08 tỷ USD, tăng 465% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, so với tháng 5/2023, cả nước xuất khẩu các sản phẩm từ cao su đạt hơn 93 triệu USD trong tháng 6/2023, tăng nhẹ 0,3%. Nếu xét chung trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu các sản phẩm từ cao su thu về hơn 515 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, xuất khẩu cao su sang Nga chỉ chiếm tỷ trọng gần 1%.
Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang (Rosstat) của Nga công bố những số liệu cho biết sản lượng cao su tổng hợp ở dạng nguyên sinh tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 121.000 tấn trong năm 2022. Về các mặt hàng từ cao su như sản xuất lốp xe, vỏ và túi cao su giảm 42,3% so với cùng kỳ xuống 2,7 triệu chiếc.
Còn tại Việt Nam, số liệu từ Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết sản lượng của ngành tại Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý. Cụ thể, trong năm 2022, diện tích cao su Việt Nam đạt 929,5 ngàn ha, sản lượng đạt gần 1,29 triệu tấn, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 10,4 tỷ USD, chiếm 2,8% kim ngạch xuất khẩu các loại hàng hóa của cả nước, tăng 9,1% so với năm 2021. Trong đó, sản phẩm cao su đạt kim ngạch cao nhất (4,2 tỷ USD), tiếp đó là cao su thiên nhiên (hơn 3,3 tỷ USD) và gỗ cao su (2,8 tỷ USD). Như vậy, so sánh cùng kỳ phát triển, có thể thấy sản lượng cao su của Việt Nam đang gấp 10 lần so với Nga.
Được biết, năm 2023 là năm biến động với nhiều thách thức: kinh tế trên thế giới suy thoái do mới bước qua giai đoạn đầu của tác động hậu Covid-19 hay nhiều yếu tố địa chính trị như chiến tranh Nga- Ukraine, căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc,...
Dù vậy, vượt lên trên mọi khó khăn ngành cao su Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 5 về diện tích, thứ 3 về sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới. Đồng thời cũng là quốc gia dẫn đầu trong khu vực châu Á về năng suất với hoạt động xuất khẩu ba nhóm mặt hàng sản phẩm cao su là cao su thiên nhiên, gỗ và sản phẩm gỗ cao su duy trì mức tăng trưởng tích cực.
So với cùng kỳ năm ngoái, dù kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ tuy nhiên Nga tiếp tục giữ vai trò là một thị trường tiềm năng của Việt Nam. Trong năm 2022, Nga đã chi hơn 5,15 triệu USD để nhập khẩu các sản phẩm từ cao su của Việt Nam, tăng 56,64% so với năm 2021. Nhập khẩu cao su tổng hợp của Nga dự kiến đạt 235 triệu USD vào năm 2026, tăng trung bình 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ dấu mốc năm 2001, mỗi năm nhu cầu của Nga tăng thêm ước tính gần 6%. Cũng trong năm này, Nga là nhà nhập khẩu cao su tổng hợp lớn thứ 24 với tổng kim ngạch lên đến 210 triệu USD. Dự đoán không chỉ trong 6 tháng cuối năm 2023 mà trong cả tương lai không xa, Nga vẫn tiếp tục là một thị trường tiềm năng cho cao su và các sản phẩm từ cao su của Việt Nam.
Học cách chọn vợ của ông Phạm Nhật Vượng và Bầu Hiển, câu trả lời của Đặng Lê Nguyên Vũ mới thấm!
Với phương châm “đầu tư lớn nhất là chọn bạn đời”, các tỷ phú Việt Nam cũng có những tiêu chuẩn lựa chọn vô cùng khác biệt.