Đời sống

Sự ‘Dồi Dào’ sẽ không cạn kiệt

Ý tưởng không giống như hũ gạo. Chúng ta sẽ không bao giờ chạm tới đáy và bị đói.

Ngày nay, trên các phương tiện truyền thông ta có thể dễ dàng bắt gặp những tuyên bố bi quan rằng thời đại sung túc đã kết thúc, sự kinh hoàng đang diễu hành quanh thế giới: Sự nóng lên toàn cầu, các thiên tai liên tiếp và sự khan hiếm tài nguyên,… đang diễn ra.

Nhiều ý kiến cho rằng: “Những gì chúng ta đang trải qua là khởi điểm một bùng phát lớn. Chúng ta đang sống ở thời kỳ cuối cùng trong kỷ nguyên của sự dồi dào, phong phú… kết thúc của sự đa dạng về sản phẩm, công nghệ dường như đang thường trực… kết thúc của sự phong phú về đất đai, vật liệu, thậm chí bao gồm tài nguyên nước đang hiện hữu.”

Tuy nhiên, sự “Dồi Dào”/ “Sung Túc” là gì? Có thể gọi đây là sản phẩm của thời hiện đại - một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử 300.000 năm của loài người, giai đoạn đã dần đưa nhân loại thoát khỏi nạn đói, bệnh tật, chết yểu, thiếu hiểu biết và chiến tranh liên miên hướng tới nguồn lương thực dồi dào chưa từng có trong lịch sử với tuổi thọ tăng gấp ba, khả năng kiểm soát, hoặc loại bỏ hoàn toàn vô số bệnh tật, tiến gần đến khả năng đọc viết và tính toán phổ thông, và chiến tranh thường chỉ còn bùng phát 'cục bộ'.

Việc nhiều người bị sốc trước những cuộc xung đột như Ukraine – Nga, Israel – Hamas chứng tỏ một suy nghĩ hoàn toàn khác của chúng ta - những người hiện đại – so với suy nghĩ của tổ tiên chúng ta, những người thường đã quá quen thuộc với những cuộc viễn chinh hay xung đột quân sự có thể kéo dài hàng thập kỷ. Cũng có thể nói điều tương tự về cách tiếp cận của chúng ta đối với đại dịch Covid. Người xưa cho rằng đại dịch là do cơn thịnh nộ của vị thần nào đó hoặc sự xuất hiện của các ‘sao xấu’, chứ không phải những sinh vật nhỏ bé có thể bị đánh bại bằng vắc xin mRNA.

Tính hiện đại mà ngày nay chúng ta thụ hưởng bắt đầu tại châu Âu từ khoảng 300 năm trước, trước khi lan rộng ra phần lớn phần còn lại của thế giới. Có nhiều yếu tố tạo tiền đề cho cuộc đoạn tuyệt tốt đẹp này với quá khứ tàn bạo của chúng ta. Có thể điểm qua những điển mốc như Thời đại Khám phá dẫn đến việc đưa các mặt hàng chủ lực của Thế giới Mới vào Lục địa; Cuộc Cách mạng Khoa học đã nâng tầm bằng chứng thực nghiệm và thử nghiệm thực tế lên trên trí tuệ của các già làng, tiền bối hay những tuyên bố từ các triều đình, thời kỳ Khai sáng nhấn mạnh tính ưu việt của logic và lý trí; và Cách mạng Công nghiệp khai thác các nguồn năng lượng mới để làm cho nhân loại có năng suất cao hơn, giàu có hơn rất nhiều.

Thế giới hiện đại là sự kế thừa của sự đổi mới liên tục. Ảnh: Internet

Sợi dây gắn kết các khía cạnh khác nhau của thời hiện đại—Công nghệ, Khoa học, Y học, quy trình sản xuất,…—với nhau là khái niệm “đổi mới liên tục”. Tất nhiên, con người đã luôn đổi mới, thậm trí từ trước khi phát hiện ra lửa vào  1,7 triệu năm trước, nhưng những khám phá của tổ tiên chúng ta rất rời rạc và đôi khi có thể đảo ngược. Sự khởi sắc của những giai đoạn thịnh vượng tương đối như thành Rome của Antonines hay Trung Quốc dưới triều đại nhà Tống,… thỉnh thoảng xuất hiện nhưng luôn lụi tàn nhanh, và “thời kỳ đen tối” thường theo ngay sau đó. Tất cả những điều đó đã thay đổi vào nửa sau thế kỷ 18, khi thế giới phương Tây tình cờ có được một quá trình bền vững, liên tục trong việc tạo ra, tích lũy và vận dụng kiến thức mới. Kể từ đó, các bậc thang tiến bộ của loài người đã được mở rộng.

Quá trình đổi mới bền vững chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng dân số và tự do. Việc tạo ra tri thức bắt đầu từ những ý tưởng mới khởi nguồn từ tâm trí con người. Nhiều bộ óc hơn sẽ tạo ra nhiều ý tưởng hơn. Chính những ý tưởng này đã dẫn đến những phát minh mới, sau đó được thử nghiệm bởi các lực lượng thị trường để phân biệt thứ có giá trị cao hơn và thứ ít giá trị hơn. Khi kết thúc quá trình thử nghiệm thị trường, con người tiếp tục những ý tưởng về sự đổi mới giúp thúc đẩy năng suất, tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống. Tất nhiên, chỉ yếu tố dân số lớn là không đủ để duy trì sự phong phú. Để đổi mới, mọi người phải được phép suy nghĩ, phát biểu, công bố, liên kết và phản đối. Họ phải được phép tiết kiệm, đầu tư, giao dịch và kiếm lợi nhuận. Tóm lại, họ phải được tự do.

Khi đó, môi trường xã hội cung cấp những động cơ khuyến khích hoặc ngăn cản các cá nhân thể hiện và thực hiện ý tưởng của mình. Những cá nhân không đủ điều kiện để nhận quyền pháp lý bình đẳng và có thể gây nguy hại cho cộng đồng sẽ bị ngăn cản. Ngược lại, những người hoạt động trong điều kiện bình đẳng về mặt pháp lý được đảm bảo sẽ được tự do sử dụng tài năng của mình, biến ý tưởng thành phát minh và đổi mới, để mang lại lợi ích cho chính họ và cuối cùng là cho xã hội.

Con người luôn đổi mới từ khi xuất hiện. Ảnh: Sapiens

Sự thịnh vượng hiện đại xảy ra là bắt nguồn từ việc Tây Âu và các nhánh của mình đã không ngừng khuyến khích đổi mới và cho phép công dân của họ “khiêu vũ” với những ý tưởng mới một cách đầy hoang dại. Tương tự như vậy, họ cho phép tự do đầu tư và thương mại nhiều hơn mà không sợ bị giới quý tộc săn đón hoặc bàn tay bóp nghẹt của một viên quan triều đình. Anh và Hà Lan là những nước tiên phong trong quá trình này, theo sau đó là Hoa Kỳ. Và những gì diễn ra sau đó đã cho thấy sự sung túc và phong phú, khả năng tiếp cận vật chất của mọi người đều trở nên dễ dàng và đa dạng hơn.

Khi sự phát triển của tự do và kho kiến thức tích lũy của nhân loại hòa nhịp với sự gia tăng dân số ngày càng nhanh trên hành tinh trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai, sự sung túc đã lan rộng ra toàn cầu. So với thu nhập bình quân đầu người, giá trung bình của những mặt hàng được sử dụng rộng rãi nhất đã giảm trung bình 84% trong khoảng thời gian từ 1960 đến 2018.

Sự giàu có cá nhân của người dân trung bình trên toàn cầu đã tăng 6,27 lần hay 527%. Nói cách dễ hiểu, với cùng một thời gian lao động, thù lao của một người có thể ‘quy đổi’ được một lượng hàng hóa vào năm 2018 nhiều gấp 6 lần so với năm 1960, ở đây chúng ta đang nói đến tính quy đổi trực tiếp theo nghĩa đơn giản nhất chứ không phải thông qua ‘tiền’. Trong khoảng thời gian 58 năm đó, dân số thế giới đã tăng từ 3 tỷ lên 7,6 tỷ.

Hơn nữa, lịch sự phát triển xã hội hiện đại cho thấy sự dồi dào về nguồn lực cá nhân tăng nhanh hơn sự gia tăng dân số. Mối quan hệ đó là “sự dồi dào”. Nói một cách đơn giản, tính trung bình, mỗi con người đều tạo ra nhiều giá trị hơn mức anh ta tiêu thụ.

Cuộc sống toàn nhân loại được cải thiện từng ngày nhờ những phương pháp sản xuất mới. Ảnh: Atlantic Council

Theo tính toán, sự giàu có của loài người đã tăng gấp đôi sau mỗi 20 năm. Vì vậy, có thể nói một người phương Tây 60 tuổi đã chứng kiến mức sống của mình tăng từ một lên hai, từ hai lên bốn và từ bốn lên 8 trong đời. Bạn sẽ nói rằng từng đó là quá chậm? Đó là tâm trí hiện đại đang nói. Cần phải biết rằng trước giữa thế kỷ 18, cuộc sống ở mọi nơi trên hành tinh vẫn gần như giống nhau trên đa phần các phương diện trong nhiều thiên niên kỷ và không ai nghĩ điều đó là bất thường. Nhiều thế hệ con người đã sống và chết mà không nhìn thấy hay trải nghiệm những cải thiện dù là nhỏ nhất trong cuộc sống của họ. Ngoài ra, chúng ta còn phải xét đến một yếu tố quan trọng là phạm vi của những cải tiến trong tương lai là rất lớn.

Hãy ví dụ bằng việc khám phá các vật liệu hữu ích trong tương lai. Vật liệu sử dụng là tiêu biểu cho sự phát triển của loài người, đó là lý do vì sao các giai đoạn lịch sử được gắn theo tên của các vật liệu thời đó như: Thời kỳ Đồ Đá, thời kỳ Đồ Đồng, thời kỳ Đồ Sắt,… Chỉ với việc tìm ra cách kết hợp 2 nguyên tố thiếc và đồng và 3000 năm trước công nguyên, một cộng đồng 14 triệu người trên Trái Đất khi ấy đã tạo ra kỷ nguyên tồn tại đến hơn 1 thiên nhiển kỷ. Giờ đây, bảng tuần hoàn hiện tại của chúng ta bao gồm khoảng 100 nguyên tố. Một hợp chất hai nguyên tố có tới 9.900 công thức kết hợp (100 x 99) và hợp chất bốn yếu tố lên tới 94.109.400 kết hợp (100 x 99 x 98 x 97). Khi tiến đến các hợp chất 10 nguyên tố thì sao? Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Romer đã viết: “Số công thức hợp chất có thể tạo ra còn nhiều hơn số giây đã có kể từ khi vụ nổ lớn tạo ra vũ trụ. Khi bạn tiếp tục, bạn sẽ thấy rõ ràng là có quá ít người trên trái đất và có quá ít thời gian kể từ khi chúng ta xuất hiện, nên chúng ta đã chỉ có thể thử nghiệm một phần cực nhỏ trong tất cả các khả năng.”

Sự khám phá hàng loạt và ngày một nhiều các vật liệu mới như vật liệu carbon, nano, siêu nano,… cũng như tiến bộ trong việc nghiệc cứu ứng dụng các vật liệu mới vào thực tế hứa hẹn sẽ nâng lịch sử loài người lên một tầm cao mới với tốc độ theo cấp số nhân.

Nói cách khác, thế giới là một hệ thống khép kín giống như một cây đàn piano. Nhạc cụ chỉ có 88 phím, nhưng những phím đó có thể được chơi theo vô số cách khác nhau. Điều tương tự cũng áp dụng cho hành tinh của chúng ta. Các nguyên tử của Trái đất có thể cố định, nhưng khả năng kết hợp của các nguyên tử đó là vô hạn. Nhà kinh tế học người Mỹ Thomas Sowell đã từng nhận xét rằng: “Những người tiền sử có sẵn nguồn tài nguyên thiên nhiên giống như chúng ta ngày nay, và sự khác biệt giữa mức sống của họ và của chúng ta là sự khác biệt giữa kiến thức mà họ có thể sử dụng được từ những nguồn tài nguyên đó và kiến thức được sử dụng ngày nay.” Khi đó, điều quan trọng không phải là giới hạn vật lý của hành tinh chúng ta mà là quyền tự do của con người trong việc thử nghiệm và hình dung lại việc sử dụng các nguồn tài nguyên mà chúng ta có.

Thế giới đã, đang và sẽ luôn phong phú. Ảnh: Charles Fazzino

Và đó là lúc những ý kiến về sự “tận thế” tái xuất hiện trong bức tranh. Bất chấp tất cả sự diệt vong và u ám mà nhiều người bi quan phát ra, không có lý do vật chất nào đủ thực tế để khiến nhân loại phải đi đến điểm kết thúc của sự dồi dào, sung túc. Sự thiếu hụt ngày nay phần lớn là hậu quả của những quyết định chính trị tồi tệ. Những điều đó bao gồm việc đóng cửa nền kinh tế toàn cầu hay, sự quan tâm quá mức đến môi trường. Cuộc khủng hoẳng năng lượng tại châu Âu suốt những năm qua là minh chứng tiêu biểu cho sự sai lầm tai hại này.

Tình hình trong mắt nhiều người đang có vẻ tồi tệ và sự chán nản ngự trị. Nhưng tin tốt là cỗ máy kinh tế diệu kỳ luôn có thể được điều chỉnh và thậm chí đảo ngược. Sự thiếu hụt của các tài nguyên rất có thể chỉ là tạm thời. Chừng nào thế giới còn tiếp tục cung cấp một ngôi nhà an toàn cho những người tự do, thì cuộc sống con người sẽ ngày càng phong phú hơn.

Ý tưởng không giống như hũ hạo. Chúng ta sẽ không bao giờ chạm tới đáy và bị đói. Chúng ta cũng chưa tiêu hủy toàn bộ toàn bộ lượng đồng và sắt trên hành tinh. “Mọi thứ vẫn nguyên đây”, giống như trong ký ức của người đàn ông thời đồ đá.