Tuổi thọ của Tôn Ngộ Không là bao nhiêu? 'Kịch bản' trường sinh Bồ Đề Tổ Sư ngầm sắp đặt cho đồ đệ 'tinh vi' ra sao?
Tôn Ngộ Không vốn dĩ không thể tránh khỏi quy luật 'sinh lão bệnh tử' song nhờ có sự sắp đặt 'tinh vi' của Bồ Đề Tổ Sư mà hắn đã có thể trường sinh bất tử như hằng ao ước.
Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không không chỉ khiến khán giả ngưỡng mộ vì giỏi phép thuật, luôn trượng nghĩa giúp người, phò trợ Đường Tăng mà còn bởi khả năng trường sinh bất tử của mình. Vốn sinh ra từ đá Nữ Oa, sống vô lo nghĩ, đến khi chứng kiến một con khỉ già ở Hoa Quả Sơn chết già, hắn mới ý thức được quy luật "sinh lão bệnh tử" và ôm khát khao trường sinh.
Nghĩ là làm, Tôn Ngộ Không khăn gói đi tìm Bồ Đề Tổ Sư học đạo. Ngài vốn có thể nhìn trước được tương lai và quá khứ trong vòng 500 năm nên hiểu rõ rằng Tôn Ngộ Không chỉ có tuổi thọ 342 năm. Để giúp đồ đệ của mình có được sự trường sinh, Bồ Đề Tổ Sư đã lên một "kịch bản" vô cùng tinh vi.
Theo đó, ngài truyền dạy cho Tôn Ngộ Không 72 phép biến hóa và "Cân Đẩu Vân" giúp hắn có thể cưỡi mây vượt gió dễ dàng. Bởi, chỉ khi có phép thuật thì Tôn Ngộ Không mới có thể tránh bị Hắc Bạch Vô Thường bắt, đồng thời xuống được Địa Phủ ép Diêm Vương giao sổ sinh tử rồi xóa tên mình trong đó. Thế nhưng, chuyện không diễn ra đơn giản như vậy.
Việc Tôn Ngộ Không đảo lộn trật tự sinh tử không tránh khỏi việc bị Thiên Đình truy bắt xử tội. Khi đó, võ công và phép thuật cao cường mà Bồ Đề Tổ Sư truyền dạy sẽ giúp hắn chạy thoát được. Dù vậy, "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", sự xuất hiện của Phật Tổ Như Lai - đồ đệ thứ hai của Bồ Đề Tổ Sư - đã khắc chế được Tôn Ngộ Không, khiến hắn phải chịu hình phạt bị giam dưới chân núi Ngũ Hành Sơn suốt 500 năm trước khi bước vào hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh cùng Đường Tăng và hai sư đệ Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh.
Để che giấu kế hoạch này, Bồ Đề Tổ Sư đã đuổi Tôn Ngộ Không đi khi số mệnh của hắn sắp kết thúc, đồng thời dặn dò không được nhắc tên ngài ở bất cứ đâu để tránh bị liên lụy. Dù cắt đứt mọi liên lạc với Tôn Ngộ Không nhưng khi hắn gặp họa vì đánh đổ cây nhân sâm của Trấn Nguyên Tử, cùng đường tìm về chốn cũ cầu cứu sư phụ, ngài vẫn hiển linh chỉ đường dẫn lối cho người đồ đệ đặc biệt này. Vậy mới thấy Bồ Đề Tổ Sư yêu thương và ưu ái Tôn Ngộ Không đến mức nào.