Một nạn nhân tiết lộ phản ứng nằm 'cứng đờ' khi bị xâm hại, kết luận không chống cự liệu có đúng?
Việc nạn nhân 'nằm cứng đờ' khi bị xâm hại không phải là 'buông xuôi', không chống cự. Hiện tượng này đã được các chuyên gia giải mã một cách chi tiết và thuyết phục.
Thông thường khi nhắc đến trường hợp bị xâm hại, đa số chúng ta đều tin rằng bản thân sẽ chống trả đến cùng. Tuy nhiên, thực tế thì lại hoàn toàn ngược lại, có rất nhiều trường hợp vì quá hoảng sợ đã sinh ra phản ứng "nằm cứng đờ". Amy, 29 tuổi, từng là nạn nhân bị xâm hại tình dục thời trung học là một ví dụ điển hình. Cô chia sẻ rằng: "Tôi luôn nói rằng: Nếu một gã đàn ông dám làm điều đó với tôi, tôi sẽ đá vào chỗ hiểm của gã rồi bỏ chạy". Nhưng trong thực tế, nỗi sợ hãi lấn át và bạn cảm thấy bất lực, như chết cứng".
Cô kể lại: "Dữ liệu từ camera giám sát cho thấy hắn nhốt tôi trong lớp học và cố gắng nhét tiền vào áo đồng phục của tôi để khiến tôi im lặng. Bên bào chữa muốn biết tại sao tôi không mở khóa cửa và không cố gắng trốn thoát. Đó không phải là điều bạn có thể nghĩ tới trong tình huống như vậy, tôi đã rất hoảng sợ. Bị hỏi điều đó khiến tôi cảm thấy tức giận, bị coi thường và nhục nhã, như thể tôi có thể ngăn việc xảy ra bằng cách nào đó".
Vì phản ứng cứng đờ khi bị xâm hại mà phía bồi thẩm đoàn đã tuyên vô tội cho kẻ tấn công Amy với lý do tuân theo nguyên tắc "nghi ngờ hợp lý". Nói cách khác, việc không chống trả hay cố gắng chạy trốn khi bị xâm hại đã bị đánh đồng với việc đồng thuận quan hệ. Rất nhiều luật sư đã dùng lập luận trên và không ít thẩm phán tòa án dựa vào đó để đưa ra phán quyết bất công đối với các nạn nhân.
Giáo sư Paul Dolan, nhà tâm lý học hành vi tại Học viện Kinh tế và Chính trị London, phân tích: "Nhiều người nghĩ: 'Nếu là tôi, tôi sẽ chống trả khi bị tấn công, vậy tại sao cô ấy lại không? Nhưng trong trạng thái lạnh, khi chúng ta bình tĩnh, lý trí và không gặp bất kỳ nguy hiểm nào, thật khó để tưởng tượng chúng ta sẽ làm gì trong trạng thái nóng - những tình huống kích động và căng thẳng". "Hầu hết mọi người đã nghe nói về 'chiến đấu hay bỏ chạy' nhưng chưa thực sự nghe nói về phản ứng phổ biến là 'đóng băng'", nhà trị liệu tâm lý đầy kinh nghiệm Noel McDermott cho biết.
Cụ thể hơn, ông McDermott giải thích rằng phản ứng đóng băng hình thành do 2 cơ chế sinh tồn: Một là khiến con mồi trở nên vô hình trước nhiều kẻ săn mồi có mắt nhạy bén với chuyển động hơn là hình dạng hoặc màu sắc; Hai là "giả chết" vì nhiều thú ăn thịt không thích ăn xác thối. "Rõ ràng kẻ hiếp dâm không phải là một con sư tử đang cố ăn thịt chúng ta, tại sao lại chọn 'giả chết'? Chủ yếu là do hạch hạnh nhân không có ý thức nên nó đưa ra quyết định dựa trên mức độ hormone căng thẳng. Nó được kích hoạt khi những hormone căng thẳng đó - chúng tôi gọi là nỗi sợ hãi - đạt đến mức đủ cao. Sau đó, nó sẽ đảm nhận việc ra quyết định từ các bộ phận điều hành trong não của chúng ta. Trước nỗi kinh hoàng như bị hãm hiếp, đóng băng là phản ứng phổ biến hơn chiến đấu hay bỏ chạy", nhà trị liệu tâm lý diễn giải.
Những phân tích của Noel McDermott về phản ứng đóng băng đã nhận được nhiều sự đồng tình từ các chuyên gia, khớp với nhiều tài liệu khoa học, nghiên cứu. Do đó nó đã được Cơ quan công tố Hoàng Gia Anh (CPS) đã liệt kê và giải thích trong hướng dẫn chính thức dành cho thẩm phán và công tố viên khi xem xét các vụ án hiếp dâm.