Khối vàng được cậu bé 9 tuổi tìm thấy, mang cho Tiến sĩ kiểm tra nhưng bị phớt lờ, ai ngờ lại là báu vật 3.000 tuổi
Vị Tiến sĩ khảo cổ học ban đầu phớt lờ món đồ của cậu bé 9 tuổi, đến khi biết được giá trị thật mới bàng hoàng.
Jerusalem Post đưa tin về việc một cậu bé tên Binyamin Milt, 9 tuổi, đến từ Jerusalem, Israel, đã khai quật được một khối vàng được tạo ra bởi nhiều hạt vàng nhỏ có niên đại từ thời Đền thờ đầu tiên. Phát hiện này khiến các nhà khảo cổ vừa kinh ngạc lại vừa phấn khích.
Được biết, trong khi cùng gia đình sàng lọc đất ướt tại núi Đền, Binyamin đã nhìn thấy một vật hình trụ nhỏ hình bông hoa, hợp thành từ bốn lớp bi vàng nhỏ. Khối vàng nhỏ này trông vẫn còn mới và nguyên vẹn, không giống với một món cổ vật. Tuy nhiên, Binyamin vẫn quyết định đem nó đến chỗ các nhà khảo cổ học để xem xét.
Ban đầu, Tiến sĩ Gabriel Barkay tỏ ra khá thờ ơ, phớt lờ món đồ được cậu bé mang đến vì trông nó có vẻ vẫn còn mới, có thể là món đồ hiện đại bị lẫn trong đất mà thôi. Ông thậm chí còn không buồn ghi lại thông tin liên lạc của cậu bé vì vội vã làm tiếp công việc sàng lọc cổ vật. Đến khi phân loại các hiện vật tìm được trong mùa hè, Tiến sĩ Gabriel Barkay mới nhận ra rằng món đồ mà cậu bé mang đến cho ông giống với một số đồ vật mà ông khai quật được ở hệ thống mai táng từ thời Đền thờ đầu tiên tại Katef Hinom.
Theo đó, khối trụ nhỏ được tạo thành bởi các viên bi vàng thực ra là cổ vật có niên đại khoảng 3.000 năm. Chưa rõ chất liệu của khối trụ này nhưng những vật tương tự được khai quật trước đó làm bằng bạc, cấu trúc kết hạt vàng giống hệt nhau. Chúng được phát hiện ở một số địa điểm khác nhau trên khắp Israel, niên đại đa dạng nhưng chủ yếu có từ Thời đại đồ sắt (thế kỷ 12 đến thế kỷ 6 trước Công nguyên).
Các chuyên gia gọi chúng là chuỗi hạt, nhấn mạnh về tầm quan trọng đối với công tác khảo cổ. Do đó, các nhà nghiên cứu Dự án sàng lọc núi Đền (TMSP) đã liên hệ với tất cả các gia đình tham gia sàng lọc cho đến khi tìm được cậu bé Binyamin. Bước đầu, nhóm nghiên cứu TMSP suy đoán món đồ được Binyamin tìm thấy có thể là đồ trang sức của một người từng ghé qua đền thờ hoặc của một thầy tu.