Vì những người tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều được tuyển chọn vô cùng kỹ lưỡng nên một gia đình có tận 3 người tham gia vào quá trình này là cực kì hiếm hoi và vinh dự.
Khởi công xây dựng từ ngày 2/9/1973 và mở cửa vào ngày 29/8/1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sau gần 50 năm vẫn luôn tấp nập người đến viếng thăm vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại.
Được biết, khi bắt tay vào xây dựng nơi đặt thi hài của Bác Hồ kính yêu, nhân lực tham gia vào quá trình này được xem xét vô cùng kỹ lưỡng về chuyên môn và lý lịch. Việc một gia đình có đến ba người cùng được chọn như gia đình của bà Nguyễn Thị Thanh Sơn (82 tuổi), quê gốc ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là TP Đà Nẵng), là vô cùng hiếm hoi và vinh dự.
Bà Sơn là nhân chứng cuối cùng trong 3 cha con cùng được tham gia xây dựng Lăng Bác. Bà tiết lộ trên công trường xây dựng lăng những năm đó chỉ có gia đình bà và gia đình hai cha con người thợ mộc ở Nam Định là có hai thế hệ trong cùng một gia đình tham gia. Cha của bà là ông Nguyễn Văn Bé (sinh năm 1912), từng theo học Trường Quốc học Huế, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và biết cả tiếng Nga. Ông Bé giác ngộ cách mạng từ khi còn học ở Trường Quốc học Huế, từng tham gia hoạt động tại Lào và trở về giữ chức Trưởng ty Công chánh Quảng Nam - Đà Nẵng và năm 1946. Ông tập kết ra Bắc vào năm 1952, đến năm 1954 thì vợ con mới lên tàu ra Bắc.
Thế nhưng gia đình bà Sơn không được đoàn tụ ngay vì mẹ bà được cử vào Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) công tác tại hợp tác xã nước mắm, anh trai, chị gái học ở Hà Nội, bà Sơn học Trường Nữ sinh miền Nam ở Hải Phòng. Năm 1961, bà Sơn trúng tuyển vào Khoa Vô tuyến điện, Đại học Bách khoa Hà Nội sau khi học hết lớp 10. Ra trường bà về công tác tại Bộ Tư lệnh Thông tin và không lâu sau đó, bà cùng với bố và anh trai tên Nguyễn Cát Thạch được lựa chọn tham gia xây dựng Lăng Bác Hồ.
Nhờ vinh dự này nên gia đình bà được đoàn tụ tại căn nhà số 2 đường Hoàng Văn Thụ (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) do bên trên bố trí vì nơi này chỉ cách công trường vài trăm mét. "Đó thực sự là những ngày đầu tiên gia đình được gặp mặt đông đủ, đoàn viên sau 20 năm tập kết ra Bắc", bà Sơn bồi hồi nhớ lại.
Cha của bà Sơn - ông Nguyễn Văn Bé - là một người tài của đất nước. Ông từng tham gia xây dựng công trình thủy điện Bàn Thạch (tỉnh Thanh Hóa), sau đó được cử sang Liên Xô học ngành thủy lợi năm 1959, về nước tiếp tục tham gia xây dựng công trình thủy nông Bắc Hưng Hải, Nhà máy thủy điện Thác Bà (Yên Bái)… Và khi Lăng Bác được xây dựng, ông được điều động từ Bộ Thủy lợi sang làm Phó trưởng Ban chỉ huy CT.75808 (mật danh xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Bà Sơn kể: "Những tháng ngày ba cha con cùng nhau xây dựng Lăng Bác, câu chuyện trong những bữa cơm gia đình đều xoay quanh việc xây Lăng. Bố tôi biết các con thừa hưởng ở ông tính cẩn thận, nhưng lúc nào cũng nhắc các con, được tham gia xây Lăng Bác là vinh dự lớn, các con phải tỉ mẩn trong từng công việc, không được sơ suất. Ông cũng nhắc, nhiều thông tin không được để lộ ra ngoài, mà phải chôn sâu trong lòng".
Ông Bé đã dành tâm huyết viết cuốn nhật ký ghi lại quá trình xây dựng Lăng Bác. Trong cuốn nhật ký đó có ghi lại nhiều chi tiết quan trọng như đội ngũ lãnh đạo, vật liệu xây dựng lăng,... và cả không khí công trường, cảm xúc của ông Bé. Sau này, ông còn cùng bác Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng làm báo cáo tổng kết dài đến 340 trang sau khi khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phần cuối nhật ký xây Lăng Bác, ông Bé viết: "Nhờ có cách mạng, con cái tôi được giáo dục và học tập tốt, trở thành cán bộ tốt của cách mạng. Các cháu đều tốt nghiệp đại học, được sống trong hạnh phúc, hòa bình".
Về phần bà Sơn, bà chia sẻ với lòng tự hào vô hạn: "Nhật ký của bố tôi như bản di chúc để con cháu sau này mãi mãi ghi nhớ, tự hào về truyền thống gia đình, làm động lực cho cháu con vươn lên trong cuộc sống. Tôi luôn kể cho con cháu câu chuyện này mỗi khi gia đình sum họp hoặc khi dẫn các cháu đi thăm Lăng Bác".