Vi phạm vì biển báo giao thông bị khuất, lái xe cần nằm lòng các bước sau nếu bị CSGT lập biên bản
Biển báo giao thông có thể hiểu là các biển hiệu được đặt trên đường với mục đích truyền đạt các thông tin đến người tham gia giao thông một cách ngắn gọn và trực diện nhất. Chiếu theo khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 thì biển báo giao thông nằm trong hệ thống báo hiệu đường bộ. Nếu ở một chỗ có hai biển báo, 1 cái là biển báo cố định, 1 cái là biển báo tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành theo biển báo có tính chất tạm thời.
Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo giao thông hiện nay được chia thành 5 nhóm cơ bản sau:
1. Biển báo cấm: Nhóm biển biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm.
2. Biển hiệu lệnh: Nhóm biển dùng để báo các hiệu lệnh phải chấp hành. Người tham gia giao thông phải chấp hành các hiệu lệnh trên biển báo (trừ một số biển đặc biệt) nếu không sẽ bị phạt.
3. Biển báo nguy hiểm và cảnh báo: Nhóm biển báo hiệu cho người tham gia giao thông biết trước các nguy hiểm trên đường để chủ động phòng ngừa kịp thời.
4. Biển chỉ dẫn: Nhóm biển báo dùng để cung cấp thông tin và các chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông
5. Biển phụ, biển viết bằng chữ: Nhóm biển nhằm thuyết minh bổ sung nội dung nhóm biển báo cấm, biển báo hiệu lệnh, biển báo nguy hiểm và cảnh báo, biển báo chỉ dẫn hoặc được sử dụng độc lập.
Có rất nhiều trường hợp khi tham gia giao thông vì không nhìn thấy hoặc không nhìn rõ biển báo (do bị khuất, bị che, bị mờ,...) nên đã vi phạm và bị CSGT dừng xe xử phạt. Thắc mắc chung là trong những trường hợp đó liệu những biển báo bị khuất có hiệu lực hay không? Điều 37.2 Luật Giao thông đường bộ quy định chung là “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành có trách nhiệm cắm biển báo”, tuy nhiên lại không có các quy định cụ thể về giám sát, phối hợp và chế tài vi phạm đối với đơn vị được giao nhiệm vụ cắm biển báo. Điều 59 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định như sau
"Điều 59. Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính
1. Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết sau đây:
a) Có hay không có vi phạm hành chính;
b) Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính;
c) Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
d) Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra;
đ) Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật này;
e) Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.
Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.
2. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng văn bản"
Theo khoản 1, người có thẩm quyền xử phạt phải xác minh các tình tiết khác có ảnh hưởng tới việc ra quyết định xử phạt. Việc biển báo khuất, mờ, không rõ thông số có thể được xem xét là "tình tiết khác" như trong quy định nêu ra. Theo khoản 2, việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng văn bản nên người tham gia giao thông phải chủ động yêu cầu chụp hình, mô tả hiện trạng biển báo và ghi rõ ý kiến không đồng ý trong biên bản xử phạt để cơ quan chức năng có thể xem xét, giải quyết.
Nghị định 67/2023 khiến bảo hiểm hết viện cớ 'cứ có cồn là từ chối bồi thường', lưu ý ngay!
Những điều chỉnh của nhà nước về quy định bồi thường bảo hiểm sẽ giúp tòa an đưa ra những phán quyết công bằng nhất.