Hòa thượng Thích Nhật Từ: 'Ai cũng thích nghe lời lịch sự, không muốn nghe những lời kém văn hóa'
Hòa thượng Thích Nhật Từ là Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, Trụ trì chùa Giác Ngộ. Thời gian qua, những chia sẻ của thầy nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng vì đưa ra những bài học nhân sinh sâu sắc và định hướng cho giới trẻ cách sống tích cực và hướng đến cái thiện. Mới đây, sư thầy vừa có cuộc trò chuyện với phóng viên báo Người Lao Động về những cách ứng xử hiện nay trên mạng xã hội.
Cụ thể, liên quan đến những phát ngôn lệch chuẩn trong thời gian qua trên mạng xã hội, Hòa thượng Thích Nhật Từ cho rằng nó chia làm hai loại là phát ngôn xấu và phát ngôn thiện. "Phát ngôn thiện là nói những điều có lợi ích, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người nghe nói chung và con người được đề cập đến nói riêng. Còn phát ngôn xấu thường do người phát ngôn có tâm địa xấu, do giận dữ, do bản chất con người thô tục hoặc do tính chất không thiện lành nên nói những lời lẽ đó. Nhiều người lên mạng xã hội nói lời xúc phạm, gây thương tổn làm cho người được đề cập dễ trầm cảm, đó là mặt trái của mạng xã hội. Chúng ta nên tận dụng mạng xã hội để kết nối văn hóa, kết nối tri thức, kết nối thông tin, chia sẻ những giá trị cao quý của con người để làm cho cuộc sống, văn hóa, tinh thần và tri thức của con người trở nên phong phú hơn", thầy đưa lời khuyên.
Nếu bản thân không may trở thành đối tượng bị nói xấu trên mạng, theo sư thầy thì chúng ta nên có cách ứng xử phù hợp với từng trường hợp. Thầy phân tích: "Nếu người đó có địa chỉ cụ thể, chúng ta yêu cầu họ tháo gỡ thông tin rồi tha thứ, bỏ qua. Nếu họ cố chấp, tùy mức độ mà nhờ luật pháp can thiệp để đảm bảo công bằng. Trong trường hợp người phát biểu nói ám chỉ, lấy nick giả, tốt nhất xem như họ không nói đến mình. Cách ứng xử này sẽ làm cho chúng ta không chìm đắm trong nỗi khổ niềm đau. Đối với các nhà báo, nếu phát hiện các phát ngôn không phù hợp với luật pháp, nên lên tiếng mang tính xây dựng sẽ giúp cho cộng đồng ý thức được ranh giới người sử dụng mạng xã hội với quyền tự do ngôn luận được luật pháp bảo hộ, tự do nhưng phải tôn trọng danh dự của người khác".
Tất nhiên, phản ứng của hầu hết chúng ta khi bị nói xấu đó là nóng giận. Tuy nhiên, các cụ ngày xưa đã từng dặn dò thế hệ sau rằng "giận quá mất khôn", thầy Thích Nhất Hạnh cũng khuyên nhủ mọi người khi mất kiểm soát, nóng giận thì tốt nhất nên im lặng. "Những lời thô tục, chửi bới, thóa mạ sẽ gây thương tổn đến người bị đề cập đến dù là ám chỉ hay đề cập trực tiếp. Đồng thời, chúng ta phải nhận thức rằng ai cũng thích nghe lời lịch sự, lễ phép, không muốn nghe những lời kém văn hóa, nên cần đặt mình trong tình huống người nghe. Nếu lỡ chúng ta có những phát ngôn không lịch sự, hãy xóa ngay và gửi lời xin lỗi đến người bị thương tổn, hạn chế tối đa việc phát ngôn bất cẩn", thầy căn dặn.
Thông qua bài phỏng vấn này, mọi người, đặc biệt là giới trẻ ngày nay nên ngẫm nghĩ và chọn cho mình một lối ứng xử chuẩn mực hơn, tích cực hơn, tránh tổn thương người khác cũng chính là tổn thương chính mình, làm xấu hình ảnh của bản thân trong mắt mọi người xung quanh.
Vùng đất phụ nữ phải làm chủ gia đình vì tình trạng khan hiếm đàn ông nghiêm trọng
Tại đây người phụ nữ phải làm toàn bộ các công việc nặng nhọc mà lẽ ra đàn ông đảm nhiệm, thế nhưng sự thật phía sau mới đau lòng.