Đời sống

Hầm chống bom nguyên tử của Việt Nam được xây dựng trong Hoàng thành Thăng Long kiên cố cỡ nào?

Vào cuối năm 1964, trong những ngày đầu Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, quân dân Việt Nam đã xây dựng lên hầm chỉ huy tác chiến (T1) ngay trong Hoàng thành Thăng Long để  phòng chống sức mạnh tàn phá khủng khiếp từ các loại bom, đặc biệt là nguy cơ từ bom nguyên tử của địch. 

Cửa hầm kiên cố, làm bằng thép tấm

Vì là hầm chống bom nguyên tử nên được xây vô cùng kiên cố. Phần cửa hầm làm bằng thép tấm, đủ độ dày để chịu được sức ép nguyên tử và tia phóng xạ. Toàn bộ hầm có diện tích 64 m2, đúc lên từ bê tông cốt thép 3 lớp với lớp giữa là cát dày nửa mét, chống được sức công phá của bom tấn, tên lửa, bom nguyên tử và vũ khí hóa học. Một phần quan trọng không thể thiếu đó chính là thống điều hòa nhiệt độ bằng hơi nước và thông hơi, lọc độc, chống nhiễu từ để người trong hầm hầm có thể trú ẩn trong thời gian dài.

Phòng trực ban
hamchongbom4
Hình ảnh mô phỏng tiêu đồ viên trong kíp trực

Trong 3 phòng của hầm thì phòng lớn nhất là phòng trực ban. Phòng này có diện tích 34m2, trang bị 4 cabin (mỗi cabin chỉ huy 1 mặt trận, được trang bị 3 máy điện thoại do một người trực đảm trách) để kíp trực ban tác chiến do Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu đảm nhiệm có thể liên tục làm việc. Nhiệm vụ chính của các cán bộ làm trong phòng này là trực tiếp trả lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người gọi hỏi và theo dõi tình hình chiến sự ở chiến trường miền Bắc nói riêng và chiến trường Đông Dương nói chung. Bên cạnh đó, kíp trực còn phải báo cáo tình hình hằng ngày trong buổi họp giao ban mỗi sáng và đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu các phương án tác chiến nhằm đối phó kịp thời, chủ động giành thắng lợi trên chiến trường. Hai phòng còn lại là phòng đặt trang thiết bị, động cơ có diện tích 10m2. Phòng này nằm ở gần cửa hầm hướng nam. Phòng còn lại là phòng giao ban tác chiến có diện tích 20m2, nằm gần cửa hầm phía đông.

hamchongbom5
Phòng đặt trang thiết bị, động cơ

Hầm chỉ huy tác chiến (T1) đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ diễn ra vào năm 1972. Ở nơi đây đã thực hiện được 3 nhiệm vụ lớn, đó là chỉ huy bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; đảm bảo giao thông chi viện cho miền Nam; tổ chức thế trận phòng không nhân dân. Nhờ những phát hiện và thông báo kịp thời mà chiến dịch Phòng không tháng 12/1972 kết thúc thắng lợi, tạo nên dấu son “Điện Biên Phủ trên không” vô cùng oanh liệt.

Một số hiện vật còn lại được trưng bày trong hầm

Ngày nay, dưới hầm chỉ huy tác chiến (T1) vẫn còn lưu giữ lại nhiều hiện vật có giá trị lịch sử to lớn như bàn làm việc của Bộ Tổng tham mưu, bản tiêu đồ khổ lớn để định hướng máy bay địch, những bộ điện đàm, điện thoại nối với Phủ chủ tịch, bảng thông báo tình hình máy bay địch. Căn hầm này gần như không còn được sử dụng từ năm 1975. Sau khi được tu sửa vào năm 2012 thì hầm đã chính thức mở cửa cho du khách tham quan vào năm 2017 nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.