Cây dã hương nghìn năm tuổi ở Bắc Giang được vua Lê sắc phong, là báu vật độc nhất của cả thế giới
Ở Việt Nam có một cây dã hương nằm ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang được xem là "báu vật" của thế giới khi tính đến nay đã hơn 1.000 năm tuổi, sở hữu các số đo cực kì ấn tượng: Vòng đo điểm to nhất của thân cây là 11m, chỗ nhỏ nhất là 8,3m, cây cao khoảng 36m, có đường kính trên 2,5m, chu vi thân nơi to nhất đo được 17,04m, lớp vỏ cây trung bình dày 15cm. Trên thế giới từng có 2 cây dã hương như vậy, 1 là ở Việt Nam, 2 là ở châu Phi. Tuy nhiên cây dã hương ở châu Phi đã chết nên cây dã hương ở Việt Nam hiện nay nghiễm nhiên trở thành "độc nhất vô nhị".
Tồn tại hơn 1 thiên niên kỷ nên cây dã hương ở Bắc Giang vừa là chứng nhân lịch sử lại vừa là biểu tượng sự trường tồn vĩnh cửu của đất nước ta. Sử sách có ghi lại rằng vào thế kỷ thứ 18, khi vua Lê Cảnh Hưng đi ngang qua cây dã hương này đã bày tỏ sự yêu thích, trân trọng và sắc phong cho cây là "Quốc chúa đô mộc dã đại vương" (nghĩa là cây dã hương lớn nhất nước).
Trước kia, Trường viễn đông Bắc Cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) đã xếp cây dã hương Bắc Giang vào danh sách cây cổ thụ hiếm có ở Bắc Kỳ cần đưa vào giữ gìn và bảo vệ. Cây cũng còn được ghi tên, in ảnh trong cuốn Từ điển bách khoa Larausse của Pháp và năm 1932 ảnh cây được đem đi giới thiệu ảnh tại hội chợ Maseille (Pháp). Năm 1989, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp cây nằm trong quần thể cụm di tích quốc gia (gồm cây dã hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đình Thuận Hòa, đền Tiên Lục). Năm 2012, cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Dã hương là loài thuộc dòng họ long não, hoa nhỏ màu vàng nhạt, thường tỏa hương vào ban đêm và nở vào cuối mùa xuân. Nhựa cây dồi dào tinh dầu, gỗ cây có thể chế thành loại hương trầm rất thơm và quý. Thành phần safrol có trong loại cây này là nguyên liệu tốt và có giá trị trong chế biến thực phẩm và mỹ phẩm. Người dân ở xã Tiên Lục còn khẳng định nhờ có mùi hương của cây dã hương mà người dân xung quanh có sức khỏe tốt, giảm thiểu nhiễm các loại bệnh dịch truyền nhiễm. Đối với họ, "cụ" cây chính là linh vật và là chỗ dựa tinh thần vững chắc, không gì có thể thay thế.