Đời sống

Nữ Thiếu tá 22 tuổi làm Trưởng Công an xã, 25 tuổi được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Nữ Thiếu tá 22 tuổi làm Trưởng Công an xã, 25 tuổi được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Xuất thân nghèo khó nhưng vị thiếu tá đầy nghị lực đã vượt lên trên hoàn cảnh để cống hiến sức mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Minh Châu sinh năm 1945, xuất thân trong một gia đình nghèo đông con ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mồ côi mẹ từ sớm, cha sức khỏe yếu, bà Châu từ nhỏ đã phải làm đủ công việc từ làm ruộng đến mò cua bắt ốc đem bán để nuôi các em. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bà Châu lại rất tích cực tham gia vào các công tác đoàn thể của xã.

thieuta2
Bà Châu thời trẻ...
thieuta4
...và khi đã về già

Bà trở thành công an viên của Ban Công an từ năm 1964, sau đó 2 năm làm Phó Trưởng Công an xã Quỳnh Hồng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự nhiệt huyết, tận tụy trong công việc của bà Châu đã nhanh chóng được cấp trên ghi nhận và quyết định bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quỳnh Hồng. Năm 1967, bà được bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã, khi đó bà mới 22 tuổi. 

Nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Châu và các cháu thiếu niên xã Quỳnh Hồng

Những năm chống Mỹ, vị trí nằm dọc theo Quốc lộ 1 và gần ga Giát (huyện Quỳnh Lưu) đã khiến xã Quỳnh Hồng bị Mỹ để mắt, tích cực phá hoại để cắt đường viện trợ, lôi kéo người dân chống lại Đảng và cách mạng. Ban Công an xã mà bà Châu công tác cùng với lực lượng dân quân và thanh niên xung phong đã nhanh chóng tham gia sửa chữa, nâng cấp mặt đường, khai thông tuyến đường vận tải, đồng thời chia thành từng nhóm dẫn đường cho xe vào nơi ngụy trang, chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, súng đạn vào nhà dân. Mọi thứ đều được bảo vệ an toàn. Với những đóng góp to lớn, bà Châu đã được trao danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng vào năm 1968 và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa tròn 25 tuổi vào ngày 25/8/1970.

Chồng của bà Châu là ông Trần Thế Phiệt (sinh năm 1940), từng làm y tá tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, vào chi viện cho chiến trường miền Nam hồi đầu năm 1966. Quen biết và cảm mến nhau từ lâu, trong lần ông Phiệt được nghỉ phép về thăm gia đình, cả hai đã tổ chức đám cưới đơn giản, nhanh chóng vào ngày 17/4/1966. Sau đám cưới, cả hai chỉ ở bên nhau được 3 ngày 2 đêm thì ông Phiệt đã phải trở lại chiến trường miền Nam chính chiến tiếp. 

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Minh Châu 

Tình yêu của ông bà chia cách trong hơn 7 năm, không một lá thư, không một tin tức. Đến năm 1972, bà Châu được Bộ Công an cử đi học lớp nghiệp vụ bồi dưỡng cán bộ công an huyện tại tỉnh Hà Tây (cũ) còn ông Phiệt bị thương nặng và đang điều trị tại tỉnh Hải Hưng (cũ). Bà Châu khi có mới có cơ hội hiếm hoi thăm chồng. Nhờ được tổ chức tạo điều kiện thăm chồng tại trại an dưỡng ở Hải Hưng nên hai vợ chồng bà đã có người con đầu lòng là Trần Hải Hà. Sau này, ông bà có với nhau thêm 3 người con nữa.

Bà Châu đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc. Bà về hưu với cấp hàm Thiếu tá. Trong 4 người con của bà, con trai cả và con gái thứ ba nối nghiệp mẹ, phục vụ tại các đơn vị thuộc Công an tỉnh Nghệ An. Dù đã nghỉ hưu nhưng khi chuyển về TP. Vinh sống cùng người con cả, bà tích cực tham gia các phong trào của phường Hưng Dũng, đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khối và thành viên Chi hội người cao tuổi. Từ năm 2023, khi sức khỏe đã yếu, bà mới nghỉ vai trò Chi hội trưởng và tập trung hỗ trợ con cái quán xuyến việc nhà, chăm nom các cháu.