Lương y đất Việt được vua Trung Quốc phong làm Đại y thiền sư, dân Việt Nam ai cũng đã từng nghe tên
Vị lương y tài giỏi này là một huyền thoại của y học nước ta, được hậu thế suy tôn làm 'ông Thánh thuốc Nam'.
Trong lịch sử Y học Việt Nam, có 7 vị danh y vô cùng kiệt xuất, danh tiếng lưu truyền muôn đời, đó là: Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng và Đặng Văn Chung. Trong đó, người được xem như ông tổ của nền y dược cổ truyền Việt Nam không ai khác ngoài thiền sư Tuệ Tĩnh.
Thiền sư Tuệ Tĩnh sinh năm 1330, tên thật Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu Hồng Nghĩa, người làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (ngày nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương). Ông mồ côi cha mẹ khi mới lên 6 nên được các nhà sư nuôi cho ăn học tại chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy (Nam Định). Vốn thông minh, sáng dạ nên khi mới 22 tuổi ông đã đậu Thái học sinh. Tuy nhiên, thay vì làm quan dưới triều vua Trần Dụ Tông, ông lại quyết định đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh, vừa tu hành vừa học nghề thuốc để chữa bệnh cứu người.
Người dân gọi ông là "ông Thánh thuốc Nam" vì luôn sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh cho người Việt. Ông không chỉ cứu người, chữa bệnh mà còn xây chùa, trồng thuốc, mở cơ sở chữa bệnh và dạy y học cho các tăng ni. Chính vì quá tài giỏi nên vào năm 1385, khi đã 55 tuổi, ông bị đưa sang nhà Minh như một cống phẩm, trở thành Y tư cửu phẩm của triều đình nhà Minh.
Y thuật cao minh của thiền sư Tuệ Tĩnh đã được chứng minh qua việc ông chữa khỏi bệnh sản cho hoàng hậu. Vua Minh vô cùng cảm phục, phong làm Đại y thiền sư, đối xử ưu ái. Thiền sư Tuệ Tĩnh đã phục vụ cho nhà Minh đến khi qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc.
Cả đời ông luôn đau đáu nỗi nhớ và niềm khao khát trở về quê hương. Trên bia mộ ông còn khắc dòng chữ "Ai về nước Nam cho tôi về với". Năm 1690, trong lần đi sứ Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho bắt gặp thấy mộ Tuệ Tĩnh, cảm thương cho người đồng hương nên đã sao chép bia mộ của ông và tạc khắc bia đá mang về quê nhà ở Hải Dương.